Ý tưởng công bố tài sản bằng cổ phiếu của các cá nhân không mới trên thế giới vào thời điểm này 10 năm trước. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp khi niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng công bố cáo bạch về tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh và sở hữu của cổ đông nội bộ, người liên quan. Cùng các đợt cập nhật cáo bạch, báo cáo tài chính thường kỳ, mỗi khi có kế hoạch thay đổi số cổ phần sở hữu của các cá nhân, công ty đều công bố trước và báo cáo khi giao dịch được hoàn tất.
Tuy nhiên, các số liệu công khai đó chỉ nằm rải rác trong danh mục thông tin của từng doanh nghiệp, và cũng không tập hợp, cập nhật liên tục, chi tiết theo danh mục của từng cá nhân. Vì vậy, chưa bao giờ công chúng Việt Nam nói chung và các nhà đầu tư nói riêng được biết một cách toàn diện về sở hữu của các cổ đông, có cái nhìn tương quan giữa các cổ đông trong cùng một doanh nghiệp cũng như giữa các doanh nghiệp với nhau.
Những bước đi đầu tiên
Ngày 23/1/2007, sau nhiều tháng nghiên cứu, tham khảo ý kiến chuyên gia trong nước cũng như xu hướng trên thế giới, Ban biên tập VnExpress quyết định công bố danh sách 100 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2006. Nguyên tắc cơ bản để làm nên danh sách này là thống kê giá trị số cổ phần thuộc sở hữu cá nhân, cập nhật tới lúc đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trong năm.
Toàn thị trường chứng khoán năm 2006 có 193 cổ phiếu niêm yết, với quy mô vốn hoá 220.000 tỷ đồng (13,8 tỷ USD), tương đương 24% GDP Việt Nam. Gần 150 công ty thuộc diện khảo sát của VnExpress lúc đó, có dữ liệu đầy đủ và cập nhật nhất, với khoảng 650 cá nhân đứng tên sở hữu cổ phiếu, bao gồm các cổ đông sáng lập, những người nằm trong hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban tổng giám đốc, và bà con ruột thịt.
Tổng giá trị tài sản của 650 cổ đông này tính theo giá cuối năm đạt trên 37.200 tỷ đồng. Trong đó, 100 người giàu nhất sở hữu gần 34.000 tỷ.
Đến nay, trong lần công bố thứ 10 của VnExpress (dự kiến vào 31/12/2015), quy mô thị trường chứng khoán tăng gấp nhiều lần. Vốn hóa thị trường hiện vào khoảng 1,32 triệu tỷ đồng với 682 doanh nghiệp niêm yết. Tài sản cổ phiếu của 100 người giàu nhất vào khoảng 74.800 tỷ đồng.
Từ chỗ chỉ có 170 triệu phú chứng khoán vào năm 2006, đến nay Việt Nam đã có gần 430 người có tài sản chứng khoán từ một triệu đôla Mỹ trở lên. Nếu như người giàu nhất sàn chứng khoán mười năm trước có số cổ phiếu tương đương 2.400 tỷ đồng, thì nay người giàu nhất có hơn 22.000 tỷ đồng.
Phản ánh sức khỏe nền kinh tế
Thứ tự của các cá nhân trong danh sách thay đổi đáng kể sau 10 năm, không chỉ cho thấy thăng trầm trong hoạt động kinh doanh và đầu tư của từng người, từng doanh nghiệp mà như tấm gương phản chiếu sức khoẻ các ngành kinh tế.
Những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2006-2014 (từ trái qua phải): Chủ tịch FPT - Trương Gia Bình, Chủ tịch Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai - Đoàn Nguyên Đức và Chủ tịch Vingroup - Phạm Nhật Vượng. Ảnh: A.D |
Đứng đầu danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán 2006 do VnExpress công bố là ông Trương Gia Bình, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FPT - tập đoàn công nghệ mới niêm yết cổ phiếu được 16 ngày tính tới phiên giao dịch cuối cùng của năm. Trong Top 10, lãnh đạo của các doanh nghiệp công nghệ, chế tạo và chế biến chiếm ưu thế.
Vị trí của ông Trương Gia Bình bị thay đổi ngay năm thứ hai danh sách Top 100 được công bố. Người giàu nhất thị trường chứng khoán năm 2007 đến từ lĩnh vực phát triển bất động sản - ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Công ty Kinh Bắc và thành viên Hội đồng quản trị Công ty Tân Tạo. Ông Trương Gia Bình rời xuống vị trí số 7 trong danh sách và tất cả các đồng nghiệp FPT khác của ông đều ra ngoài Top 20.
Đứng thứ hai trong danh sách năm 2007 là một đại diện khác trong ngành bất động sản - ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vincom (sau này là Vingroup). Trong khi đó, đứng thứ ba là ông chủ Hòa Phát - doanh nghiệp sản xuất thép và cũng ít nhiều liên quan tới bất động sản. Từ đó đến nay, các ông chủ bất động sản luôn thay nhau giữ vị trí đầu tiên.
Thăng trầm của ngành dịch vụ tài chính ngân hàng được thể hiện rõ nét nhất qua từng năm VnExpress công bố danh sách người giàu. Nếu như năm 2007-2008 chỉ vài đại diện của ngành ngân hàng có tên trong danh sách và vị trí không cao thì tới 2010-2013 bắt đầu bùng nổ. Đây cũng là năm ngân hàng làm ăn phát đạt, nhiều trường hợp giàu lên nhờ kinh doanh vàng.
Năm 2014, hệ thống ngân hàng bắt đầu trải qua đợt tái cấu trúc mạnh mẽ, nhiều sai phạm bộc lộ và một số lãnh đạo ngân hàng bị xử lý, thậm chí vướng vòng lao lý. Cũng trong năm này, danh sách 100 người giàu nhất thị trường chứng khoán khuyết tên nhiều cá nhân có tài sản lớn. Những đại diện ngân hàng còn trụ lại đều hao hụt tài sản.
Nhìn lại 10 năm danh sách Người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam của VnExpress. Xem chi tiết |
Quan niệm về người giàu
Mục tiêu VnExpress nghiên cứu, xây dựng và công bố danh sách 100 người giàu trên sàn chứng khoán là đề cao tính minh bạch trên thị trường đồng thời tôn vinh doanh nhân thành đạt, vững tay chèo lái con thuyền doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh nhiều biến động để làm giàu cho mình và đóng góp cho xã hội. Ý thức rõ quan niệm của xã hội với người giàu còn chưa cởi mở, Ban biên tập tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc đưa tin khách quan khi đăng các bài liên quan tới chủ đề này. Từng từ, từng câu được chọn lọc, cân nhắc sao cho thông tin được thể hiện trung tính nhất, tránh gây cảm giác soi xét mà vẫn đủ thể hiện trọng thị đối với những cá nhân làm giàu chân chính.
Ít phút sau khi danh sách đầu tiên xuất hiện, đường dây nóng của báo liên tục nhận được cuộc gọi của các doanh nghiệp. Điện thoại cá nhân của thành viên Ban biên tập và lãnh đạo tòa soạn cũng liên tục đổ chuổng. Phần lớn người gọi đều tâm sự họ chịu rất nhiều sức ép khi được nêu tên trên báo với tư cách người giàu, thậm chí giàu nhất nhì thị trường. Họ lo lắng sẽ gặp khó khăn trong công việc và cuộc sống khi quan niệm về người giàu còn rất khắt khe tại Việt Nam.
Cùng với những danh sách ngày càng được hoàn thiện và công bố sau mỗi năm, VnExpress dần cảm nhận sự thay đổi đáng kể trong nhận thức của xã hội đối với việc làm giàu và tôn vinh những người làm giàu chính đáng. Cuối năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 5 năm ra mắt danh sách đầu tiên, nhiều doanh nhân cho biết họ tự hào khi góp mặt trong Top 100 người giàu trên sàn chứng khoán. Lãnh đạo doanh nghiệp khác thì cho rằng để đạt được điều này là cả một quá trình phấn đấu gian khổ, chứ không phải ngày một, ngày hai.
Cũng trong năm ấy, đề xuất của một số doanh nhân về việc mở rộng danh sách lên con số 500 nhằm phản ánh rõ hơn diện mạo những người giàu chứng khoán đã được VnExpress ghi nhận và hiện thực hóa. "Top người giàu" cũng lần đầu tiên bước ra khỏi khuôn khổ danh sách trên môi trường trực tuyến bằng việc mang tới cho các bạn sinh viên một cuộc giao lưu trực tiếp với những CEO nổi tiếng, nhưng người luôn truyền cho họ cảm hứng lập nghiệp, làm giàu cho bản thân và xã hội.
Song hành với Top 100 rồi Top 500 người giàu trên sàn chứng khoán, VnExpress còn tiến hành thống kê và công bố Top 50 phụ nữ và Top 30 gia đình nắm giữ số tài sản bằng cổ phiếu lớn nhất. Danh sách này qua các năm cũng có nhiều xáo trộn cùng với những thăng trầm trên thị trường như trường hợp gia đình ông Đặng Văn Thành - cựu Chủ tịch Sacombank (Mã CK: STB) hay các đại gia khác trong ngành ngân hàng, bất động sản như ông Đặng Thành Tâm (KBC), Trần Hùng Huy (ACB), Nguyễn Thị Như Loan (QCG)...
Với hệ thống dữ liệu đa dạng, công phu trong suốt 10 năm, danh sách 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán 2015 sẽ tiếp tục được xây dựng và gửi tới bạn đọc trên cơ sở tổng hợp số liệu, thông tin công bố của 682 doanh nghiệp niêm yết tại 2 Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP HCM. Đây cũng là năm thứ 6 liên tiếp VnExpress nhận được sự hỗ trợ từ đối tác cung cấp dữ liệu là Công ty chứng khoán VNDIRECT. Theo thông lệ, các bản danh sách cuối cùng sẽ được tổng hợp và gửi tới bạn đọc sau phiên giao dịch cuối cùng năm 2015 và những ngày đầu tháng 1/2016.
Danh sách Người giàu trên sàn chứng khoán được VnExpress xây dựng trên cơ sở cáo bạch, các thông tin công bố của doanh nghiệp niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP HCM, kết hợp với bộ quy tắc được ban biên tập đặt ra và thực hiện xuyên suốt 10 năm qua. Các cá nhân có mặt trong danh sách là các cổ đông thuộc diện phải công bố thông tin theo quy định, không bị truy tố vì vi phạm pháp luật tại thời điểm công bố. Tài sản của các cổ đông, gia đình cổ đông được tính là tài sản cá nhân, được sở hữu trực tiếp hoặc thông qua công ty riêng. |
VnExpress
This entry passed through the Full-Text RSS service - if this is your content and you're reading it on someone else's site, please read the FAQ at fivefilters.org/content-only/faq.php#publishers.