Đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhu cầu nội địa và các chính sách hỗ trợ sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, giúp GDP Việt Nam giữ mức tăng 6,7% trong năm 2016.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế thường niên công bố hôm nay, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định năm nay, khi tăng trưởng 6,7% - bằng năm ngoái. Dù vậy, sang 2017, tốc độ này sẽ chỉ còn 6,5%.
Lạm phát được nhận định vẫn ở mức thấp (dù đang tăng tốc) kết hợp với thu nhập tăng sẽ kéo tiêu dùng lên cao. Lạm phát dự báo đạt trung bình 3% năm nay và 4% năm 2017.
Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng chậm lại vào năm sau. Ảnh minh họa: AFP |
Đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhu cầu nội địa và các chính sách hỗ trợ sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng. Gia nhập các hiệp định thương mại tự do cũng sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho Việt Nam.
Tuy nhiên, ADB cho rằng Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức. Ngoài tác động chung từ bất ổn toàn cầu và các đối tác thương mại tăng trưởng chậm, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề riêng, đòi hỏi tăng cường tính bền vững tài khóa và củng cố dự trữ ngoại hối.
Trong dài hạn, Việt Nam cần cải thiện năng suất lao động và hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Cải cách doanh nghiệp nhà nước cũng phải tăng tốc để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, dù là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định thương mại tự do mới, Việt Nam cũng sẽ phải chấp nhận chi phí điều chỉnh đáng kể. Khi mở cửa nền kinh tế, chấp nhận cạnh tranh nhiều hơn và phải tuân theo các tiêu chuẩn xuất khẩu ngặt nghèo, doanh nghiệp trong nước cũng sẽ đối mặt với nhiều áp lực hơn.
"Để đảm bảo nền kinh tế có thể tối đa hóa lợi ích từ các hiệp định thương mại, Chính phủ cần song hành để tạo ra một nền kinh tế có năng suất cao hơn, đổi mới sáng tạo hơn, sẵn sàng thích ứng với áp lực cạnh tranh gia tăng", ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam kết luận.
Nhận định chung trên toàn châu Á, ADB cho rằng do chịu tác động từ triển vọng yếu của Trung Quốc và các nền kinh tế công nghiệp lớn phục hồi chậm, khu vực này sẽ chỉ tăng trưởng 5,7% năm nay và năm tới, giảm so với 5,9% năm ngoái.
Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn nhì thế giới. Nước này vẫn đang phải giải quyết dư thừa công suất và tăng tốc cải tổ cấu trúc.
GDP Trung Quốc được dự báo tăng 6,5% năm nay và còn chậm hơn nữa vào năm tới. Đầu tháng này, họ đặt mục tiêu tăng GDP 6,5-7% năm nay và trung bình 6,5% trong 5 năm tới. Đây là mức rất nhiều nhà kinh tế học cho rằng chỉ có thể đạt được nếu nới lỏng tiền tệ và tài khóa mạnh tay.
ADB cho biết đầu tư tại Trung Quốc giảm mạnh sẽ tiếp tục gây sức ép lên nền kinh tế. Dù việc này có thể được bù đắp phần nào bằng chi tiêu công cho cơ sở hạ tầng và các vấn đề môi trường. Trong khi đó, tiêu dùng được dự báo vẫn mạnh.
ADB cho rằng các nước châu Á nên thực hiện nhiều biện pháp tăng năng suất, đầu tư vào cơ sở hạ tầng cần thiết và duy trì vĩ mô ổn định để nâng cao tiềm năng tăng trưởng, tránh tác động từ bất ổn toàn cầu.
Ấn Độ được dự báo là một trong những nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất khu vực, với 7,4% năm nay và 7,8% năm tới. GDP các nước Đông Nam Á cũng sẽ tăng 4,5% năm nay và 4,8% năm tới - cao hơn so với 4,4% năm ngoái.
ADB cho rằng lạm phát trong khu vực năm nay vẫn thấp, do giá hàng hóa thế giới giảm. Châu Á cũng sẽ bị ảnh hưởng do nhu cầu hàng xuất khẩu toàn cầu yếu và khả năng Mỹ nâng lãi suất.
"Các rủi ro với khu vực này vẫn nghiêng về xu hướng tiêu cực", ADB cho biết, cảnh báo tâm lý phòng trừ rủi ro của nhà đầu tư, biến động thị trường toàn cầu lớn và Trung Quốc giảm tốc mạnh hơn dự kiến có thể "làm yếu thêm triển vọng toàn cầu, trực tiếp tác động đến tăng trưởng và xuất khẩu trong khu vực".
Hà Thu