Vàng đã tăng gần 21 USD mỗi ounce, tương đương hơn 1% sau khi vượt ngưỡng kháng cự tâm lý 1.230 USD nhờ lực đẩy từ nhu cầu trú ẩn.
Giá vàng tăng vì nhiều lý do, một trong số đó là việc rất nhiều nhà đầu tư lo ngại về kinh tế suy thoái ở Mỹ và Trung Quốc nên đã mạnh dạn tham gia vào vàng, ông Jeffrey Christian, Giám đốc điều hành CPM Group nhận định.
Theo đó, thị trường đã tạo lực đẩy cho kim loại quý tăng vọt và dễ dàng phá vỡ ngưỡng kháng cự tâm lý 1.230 USD ngay đầu phiên Mỹ 29/3.
Giá vàng trong nước lại rẻ hơn thế giới. |
Sau đó, lực mua kỹ thuật được châm ngòi càng khiến giá tăng nhanh và mạnh hơn, có lúc lên sát 1.245 USD. Tuy nhiên, giá không thể phá tiếp ngưỡng này mà quay đầu giảm nhẹ. Chốt phiên giao dịch tại New York, giá giao ngay tăng gần 21 USD, đứng ở 1.242 USD. Các hợp đồng giao tháng 4 cũng chốt ngày quanh 1.235,8 USD, tăng khoảng 15,7 USD so với phiên liền trước.
Đà tăng tạm thời chững lại khi sang phiên giao dịch sáng nay tại thị trường châu Á. Tính đến 7h50, giờ Hà Nội, mỗi ounce có giá 1.240 USD, giảm gần 2 USD so với mở cửa.
Nếu căn cứ theo tỷ giá ngân hàng, mỗi lượng vàng thế giới quy đổi hiện có giá khoảng 33,39 triệu đồng (chưa gồm các loại thuế, phí, gia công...). Trong khi đó, mức giá đóng cửa của vàng miếng trong nước xoay quanh 33,13-33,20 triệu đồng, tức rẻ hơn giá thế giới 190.000-260.000 đồng mỗi lượng.
Từ đầu năm đến nay, vàng đã tăng giá gần 16%. Theo ông Christian, một trong những nguyên nhân đến từ việc gia tăng nhu cầu dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương.
Theo đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc - PBOC cho thấy họ đã thay đổi thái độ của mình đối với vàng như một tài sản dự trữ tiền tệ. "Họ thông báo rằng đã có thêm 19,4 triệu ounce vàng để nắm giữ trong tháng 6/2015 và cho biết sẽ tiếp tục mua vàng vào dự trữ tiền tệ," CPM giải thích. Christian nói rằng ông hy vọng PBOC là một đơn vị mua vàng tích cực và thường xuyên hơn nữa trong năm 2016.
Lệ Chi