Ngân hàng đua tranh 'miếng bánh' dịch vụ

Gần đây, để thu hút khách hàng dùng dịch vụ thẻ, nhiều ngân hàng đã tung ra hàng loạt chính sách như "dùng thẻ hoàn tiền", mua hàng được chiết khấu 50%....

Thu Lan, một nhân viên làm kế toán tại quận 10 cho biết, vừa rồi chị vừa làm thẻ tín dụng của một ngân hàng ngoại, và khá thích thú khi trong 3 tháng đầu sử dụng, nếu thanh toán của chị đạt 5 triệu đồng mỗi tháng thì sẽ được ngân hàng hoàn tiền lại cả triệu đồng.

Không chỉ thế, nhiều ngân hàng còn có chính sách gọi điện thoại chúc mừng hoặc gửi món quà nhỏ tặng cho khách sử dụng thẻ khi đến ngày sinh nhật. "Những việc này tuy nhỏ nhưng mang lại niềm vui lớn cho những người sử dụng dịch vụ như chúng tôi", Hiền Thư, một nhân viên văn phòng chia sẻ.

ngan-hang-dua-chieu-chuong-khach

Ngân hàng tìm cách đẩy mạnh dịch vụ bằng những khuyến mại hấp dẫn. 

Ngoài ra, hiện nhiều nhà băng đang tăng cường dịch vụ ngân hàng điện tử nhằm khai thác xu thế sử dụng internet của khách hàng, đẩy cuộc chiến giành thị phần vào một chiến lược mới. Một trong những ví dụ nổi bật nhất là dịch vụ quản lý tiền mặt, trong đó ngân hàng đồng ý quản lý việc thu và chi cho một công ty kinh doanh và tiến hành đầu tư phần thặng dư tiền mặt tạm thời vào các chứng khoản sinh lợi và tín dụng ngắn hạn cho đến khi khách hàng cần tiền mặt để thanh toán.

Cùng với khuynh hướng chuyên môn hóa dịch vụ quản lý tiền mặt cho các tổ chức, các nhà băng còn gia tăng cung cấp các dịch vụ tương tự cho người tiêu dùng. Theo đó, nhiều ngân hàng liên tục đưa ra các sản phẩm dịch vụ mới, không chỉ đáp ứng nhu cầu truy vấn, thanh toán... mà còn hoạch định tài chính tương lai cho cá nhân người dùng ngay trên tài khoản thẻ.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hệ thống thanh toán qua ngân hàng bán lẻ cũng được chú trọng. Và các ngân hàng đang tận dụng triệt để ứng dụng công nghệ vào sản phẩm dịch vụ nhằm mở rộng đối tượng khách hàng tới khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Như việc nhiều ngân hàng đưa các buồng Auto banking của mình đến tận các tỉnh thành nhỏ lẻ, trong đó được chú trọng nhất là chức năng gửi tiền vào máy (với các mệnh giá nhỏ).

Ông Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP HCM cho rằng, đây là xu thế tất yếu. Bởi hiện nay trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam, trên 70% nguồn thu từ tín dụng, 30% còn lại bao gồm kinh doanh ngoại hối (10%) và dịch vụ chiếm khoảng 20% trở xuống. Ngân hàng nào cao lắm thì nguồn thu dịch vụ cũng chỉ 20%, còn trung bình 10-15%. Như tại SHB mới đây, khi chia sẻ với Bí thư thành ủy Đinh La Thăng, lãnh đạo nhà băng cho biết doanh thu từ dịch vụ chỉ chiếm 15%.

Trong khi đó, cơ cấu lợi nhuận của nhà băng ngoại thì ngược lại khi họ chỉ có 20% nguồn thu từ tín dụng, nhưng 80% từ dịch vụ. "Chủ trương, định hướng của ngân hàng Việt Nam là chuyển dần nguồn thu từ tín dụng qua dịch vụ", một chuyên gia nói.

Trong kế hoạch phát triển ngân hàng 2016 và các năm tới, hầu hết ngân hàng cho biết dịch vụ sẽ là trọng tâm của ngân hàng. Đại diện Sacombank thừa nhận, trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ, chỉ có đẩy mạnh dịch vụ, tạo ra những sản phẩm khác biệt mới có thể giành vị thế trên thị trường. 

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB cũng cho biết, thời gian tới việc phát triển dịch là ưu tiên hàng đầu của nhà băng này.

Hoài Thu

Let's block ads! (Why?)