Năm 2015, Tập đoàn Hoà Phát (Mã CK: HPG) đạt doanh thu 1,2 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế 3.504 tỷ đồng. Ngành sản xuất thép vẫn là mảng sản xuất kinh doanh đóng góp lớn nhất vào cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn, lần lượt chiếm 79% và 82%.
Gần đây một số quỹ ngoại đã bán ra lượng lớn cổ phiếu HPG. PENM Partners vừa thông báo bán 8 triệu cổ phần trong tháng này sau 8 năm gắn bó. Trước đó, trong tháng 5/2016, quỹ cũng bán 13 triệu cổ phiếu HPG. Ngoài PENM, từ giữa năm 2015 - một số quỹ ngoại khác như VinaCapital, Deutsche Bank, Dragon Capital đã thoái bớt vốn đầu tư tại Hoà Phát. Tính đến nay, khối ngoại nắm giữ hơn 36% cổ phần tập đoàn này.
Giới đầu tư cho rằng các quỹ ngoại đang tháo chạy khỏi Hoà Phát. Tuy nhiên, sau khi xem xét kỹ động thái rút vốn có thể thấy, nguyên nhân không nằm ở phía Hoà Phát mà chủ yếu do nội bộ các quỹ muốn tái cơ cấu đầu tư. Như PEMM hoạt động theo mô hình quỹ đóng trong 10 năm, mua HPG từ năm 2008, đến nay quỹ sẽ thoái vốn dần để thu tiền về hoàn trả cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh thép, Tập đoàn Hòa Phát đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp. |
Bị khối ngoại bán mạnh, bối cảnh ngành thép còn nhiều khó khăn, song HPG đã lội ngược dòng ngoạn mục.
Dòng tiền vẫn đổ vào HPG, thị giá tăng tới hơn 10.000 đồng chỉ trong hai tháng gần đây. Nếu tính từ đầu năm 2016, HPG đã tăng trên 50%. Hiện HPG đang giao dịch ở mức gần 40.000 đồng. Hơn nữa, HPG cũng là một trụ vững chắc của thị trường trong cơn khủng hoảng Brexit khi vẫn giữ giá, khối lượng giao dịch ở mức khá cao, có phiên đạt trên 12 triệu đơn vị.
Xét về các chỉ số ROE, tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu, Hòa Phát vẫn luôn ở mức cao so với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp khác. Cụ thể, giai đoạn 2013-2015, ROE trung bình đạt mức ấn tượng 26,1%, trong khi mức trung bình các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp khác khoảng trên 10%; tỷ suất lợi nhuận cho nhà đầu tư đạt 160,5%.
"Cơn sốt" HPG hút dòng tiền lớn bắt nguồn từ chiến lược phát triển của Hoà Phát trong những năm gần đây. Tập đoàn thường là người đến sau nhưng có chiến lược đầu tư khá bài bản, chắc chắn, trên nền tảng nguồn lực tài chính dồi dào. Vì vậy, công ty không ngại dấn thân vào các lĩnh vực mới.
Từ năm 2015 trở lại đây, Hoà Phát có nhiều thay đổi trong chiến lược phát triển khi quyết định đầu tư vào nông nghiệp, cụ thể là chăn nuôi bò, nuôi lợn và sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đại gia này cũng đầu tư lớn vào sản xuất tôn mạ - một lĩnh vực mà Tập đoàn Hoa Sen từ lâu đã chiếm lĩnh thị trường trong nước và thế giới.
Đầu tư vào những lĩnh vực đã có quá nhiều đối thủ lớn, Hoà Phát gặp nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, xét về lâu dài, nhu cầu đa dạng hoá ngành nghề của Hoà Phát trong lúc này là một chiến lược khôn ngoan hướng đến sự phát triển bền vững.
Giới đầu tư cho rằng, trong ngành thép, Hoà Phát là “ông hoàng” nhưng trong nông nghiệp đại gia này là “người đến sau” với nhiều viễn cảnh được dự báo không hề sáng. Nhóm nhà đầu tư này cho rằng Hoà Phát nên đầu tư tập trung vào lĩnh vực cốt lõi, khẳng định vị thế số một của mình thay vì mạo hiểm dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp theo xu hướng.
Giữa bối cảnh đó, Chủ tịch Hoà Phát - Trần Đình Long nhắc lại câu nói ông đã từng phát biểu khi công ty đầu tư vào ngành thép năm 1999: “Hỏi 9 người thì đến 10 người cho rằng Hòa Phát sẽ thất bại”. Thực tế, ngành thép đã đưa Hoà Phát trở thành doanh nghiệp tỷ USD vào năm 2014 và duy trì cho tới nay.
Khác với nhiều doanh nghiệp lớn, như Masan chi hàng tỷ đôla để thâu tóm các doanh nghiệp hàng đầu về thức ăn chăn nuôi, từ đó gặt hái ngay doanh thu, Hoà Phát chọn cho mình con đường từ con số 0. Theo lãnh đạo tập đoàn này, Hòa Phát có khả năng tài chính tốt nên có thể đầu tư bài bản ngay từ đầu.
Đầu năm 2016, tập đoàn đã góp vốn thành lập Công ty Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát. Công ty này có vốn điều lệ dự kiến 2.500 tỷ đồng, trong đó Hòa Phát góp 99,99%, hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi và các hoạt động phụ trợ liên quan. Mục tiêu của dự án này hoàn thành chuỗi thức ăn khép kín cho việc chăn nuôi của Hoà Phát và bán ra thị trường.
Hiện công ty đã nhập khẩu hơn 500 con lợn cụ kỵ từ Đan Mạch về để nhân giống. Dự kiến năm 2018 sẽ cung cấp thịt lợn sạch ra thị trường. Mục tiêu năm 2021, Hoà Phát sẽ có trên một triệu đầu lợn trên cả nước.
Tập đoàn cũng đang chi hàng triệu USD xây dựng khu chăn nuôi vỗ béo thâm canh chuẩn bị nhập 3.000 con bò Australia trong tháng 8. Sức chứa có thể lên tới 50.000 con một năm. Với thị trường tiêu thụ 5.000 con bò mỗi ngày, nhu cầu thịt bò bình quân đạt 5-6 kg một năm của người dân. Dự báo ngành chăn nuôi bò sẽ còn nhiều dư địa để phát triển.
Hoà Phát với những chiến lược táo bạo, đầu tư lớn cho thấy tham vọng vẽ lại bản đồ ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam vốn 60% nằm trong tay các đại gia ngoại và chăn nuôi như: C.P Group, Proconco, New Hope, Cargill, Green Feed. Hay các đối thủ trong nước như Masan, Dabaco, Minh Tâm Group…
Dù ngành chăn nuôi được dự báo sẽ gặp khó khăn nhất khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng vẫn được bảo hộ tới hơn 10 năm. Không ngại TPP, CEO Hoà Phát vẫn khẳng định, mảng thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi kỳ vọng sẽ góp 30% vào lợi nhuận của tập đoàn. Mục tiêu của Hòa Phát trong giai đoạn 2016-2020 là đạt một triệu tấn thức ăn chăn nuôi, góp phần thay đổi, tái cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam từ manh mún sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng. Hoà Phát tham vọng sẽ đạt doanh thu 15.000-20.000 tỷ đồng từ nông nghiệp.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định mảng chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi chưa đem lại lợi nhuận đáng kể trong 2-3 năm tới do cần tập trung mở rộng hơn nữa để hoàn thiện hơn quy trình sản xuất và chuỗi kinh doanh để bắt kịp quy mô thị trường và mở rộng thị phần nhanh chóng. Nhưng Hoà Phát cho biết, trong 10 năm tới có thể đầu tư từ 8.000 đến 10.000 tỷ đồng cho mảng thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi.
Đa dạng hoá ngành nghề, song Hoà Phát vẫn đẩy mạnh phát triển ngành nghề cốt lõi khi mới đây đã khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất tôn mạ màu Hòa Phát với công suất 400.000 tấn năm, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2018. Đây là những sản phẩm trong chuỗi giá trị gia tăng cho sản phẩm thép - ngành hàng chủ lực của doanh nghiệp này. Với thế mạnh và hệ thống phân phối sẵn có, việc tiêu thụ tôn mạ không gặp nhiều trở ngại với Hoà Phát khi nhu cầu trong nước và thế giới vẫn liên tục tăng cao.
Theo nguồn tin của VnExpress, hiện tập đoàn đã lên kế hoạch đầu tư một siêu dự án thép có vốn đầu tư vài tỷ USD. Cuối năm 2015, Hoà Phát đã đi khảo sát tại Hà Tĩnh và đề xuất đầu tư tại đây.
“Kế hoạch kinh doanh 28.000 tỷ đồng của Hoà Phát là tương đối khiêm tốn, thực tế có thể đạt 29.576 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 3.719 tỷ đồng. EPS dự kiến lên tới 5.073 đồng”, VCBS cho biết và khẳng định Hoà Phát là doanh nghiệp có nền tảng vững, cách quản trị bài bản, đầu tư thận trọng, mô hình sản xuất khép kín từ thượng nguồn và sử dụng công nghệ cao.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) cũng nhận định HPG là cổ phiếu có thể đầu tư bền vững. Công ty này cho biết, giá quặng sắt tiếp tục giảm dài hạn do ảnh hưởng từ Trung Quốc sẽ là lợi thế cho Hoà Phát trong việc phát triển ngành thép. Dự kiến năm 2016, tập đoàn sẽ nhập khẩu khoảng 1,6 triệu tấn quặng. Hiện tại đang nhập lớn nhất từ Nam Phi.
Tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong 5 tháng 2016 đạt 679.424 tấn, chiếm 20,3% thị phần. Đặc biệt, ống thép của Hoà Phát đã được xuất khẩu vào Mỹ và Canada với thuế 0,38% làm tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường này. Sản lượng tiêu thụ ống thép trong 5 tháng tăng 50% lên 172.500 tấn.
Bạch Huệ - Ngọc Tuyên