Trao đổi với VnExpress, đại diện 3 hãng bảo hiểm lớn cho biết, tổng thiệt hại chi trả bồi thường về tài sản sau cơn bão Mirinae đã lên tới hàng trăm tỷ đồng. Riêng về xe cộ, thiệt hại sơ bộ đã lên tới gần một tỷ đồng.
Cây xà cừ trên phố Núi Trúc đè lên chiếc ôtô trong cơn bão Mirinae. Ảnh: Giang Huy. |
Trước đó, cơn bão Mirinae với sức gió giật cấp 7 (khoảng 50 km/h) đã quật đổ nhiều cây có đường kính lớn tại Hà Nội vào đêm và sáng ngày 28/7. Những cây cổ thụ lớn sau khi bật gốc đã đè hỏng nhiều ôtô. Riêng chiếc xe Innova bị cây xà cừ đè lên tại phố Núi Trúc được Công ty Bảo hiểm Xăng dầu PJCO xác định bồi thường khoảng 100 triệu đồng. Đơn vị này cũng ước tính đến ngày 29/7 có khoảng 20 xe mua bảo hiểm bị ảnh hưởng với tổn thất hơn 400 triệu đồng.
Tương tự, Công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cho biết, đến trưa 28/7 có khoảng 37 khách hàng bị ảnh hưởng. trong đó, có 8 vụ tổn thất nặng, chủ yếu do cành cây, tấm lợp, tấm tôn rơi vào xe, một số ít do cây đổ trực tiếp hoặc sập mái gara. PTI cho biết ước tính tổn thất trung bình khoảng 10 triệu đồng một xe.
Còn tại Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, mảng xe cơ giới cũng ghi nhận 17 vụ tổn thất với tổng dự phòng chi trả bảo hiểm khoảng 188 triệu đồng.
Trận bão lần này không mưa lớn gây ngập úng nên không xuất hiện tình trạng các xe bị thủy kích như đợt tháng 6 năm ngoái.
Ngoài thiệt hại về xe cơ giới, bão Mirinae với sức gió tối đa 90 km/h, đã đổ bộ vào các tỉnh khu vực miền Bắc, trong đó tâm bão là 2 tỉnh Ninh Bình và Nam Định. Tại Nam Định, do lượng mưa lớn, nước không kịp thoát, nhiều diện tích lúa mới cấy ngập trắng đồng. Trong khi đó, tại Thái Bình, nhiều cây cối bị đổ gẫy khắp các huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Hưng Hà, nhiều nhà tốc mái, đường dây điện bị cắt, toàn thành phố bị cắt điện.
Theo ghi nhận của Bảo hiểm Bảo Việt, đến hết ngày 28/7 có 48 vụ tổn thất về tài sản, trong đó thiệt hại lớn nhất là của Tổ hợp nhà máy dệt may Smartshirts tại Nam Định, ước tính lên đến 10 triệu USD. Hãng bảo hiểm này cũng đang tập hợp thông tin về tàu cá gặp nạn.