Nhà nước đọng vốn 30.000 tỷ, người dân cực nhọc kiếm từng đồng

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội ngày 29/7, các đại biểu cho rằng lãng phí trong xây dựng, sử dụng vốn Nhà nước chính là điểm nghẽn lớn nhất cản đường tăng trưởng của nền kinh tế 6 tháng qua. 

Dẫn ra hàng loạt dự án “ngốn” hàng chục nghìn tỷ vốn của ngân sách nhưng lại đang thua lỗ, bỏ hoang như Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ... đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng việc sử dụng nguồn lực xã hội đang có sự lãng phí lớn: "Nếu so sánh hơn 30.000 tỷ đồng vốn Nhà nước đang 'chôn' trong loạt dự án này với hình ảnh người dân nhọc nhằn mưu sinh chỉ cần kiếm được thêm vài trăm ngàn đồng mỗi tháng, sẽ thấy sự lãng phí là khổng lồ", vị này chua xót.

Cùng với khía cạnh vật chất, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng điều này còn làm suy giảm niềm tin. "Đầu tư lãng phí từ tiền đóng thuế là có lỗi với người dân", ông xót xa.

nha-nuoc-dong-von-30000-ty-nguoi-dan-cuc-nhoc-kiem-tung-dong

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng tiền thuế của dân đang bị sử dụng lãng phí. Ảnh: Giang Huy

Mối lo mà đại biểu Tám đưa ra nhận được sự đồng tình của các vị đại biểu tại phiên thảo luận. Dẫn lại con số nợ đọng lớn trong xây dựng nông thôn mới đã vượt qua 52.000 tỷ đồng, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) nhận định nếu khoản nợ đọng này tăng thêm thì nợ công ngày càng khó kiểm soát.

Kinh tế nông nghiệp đã là bệ đỡ khi kinh tế suy giảm và vẫn sẽ là bệ đỡ thời gian tới, nhưng tiếc rằng lĩnh vực này lại đang tụt hậu so với các ngành kinh tế khác. "Xây dựng nông thôn mà huy động quá sức của nông dân, như cảnh sưu cao thuế nặng không khác gì thời phong kiến", đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đánh giá.

Trong khi sức nóng của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đang "phả vào gáy", các doanh nghiệp, doanh nhân hồ hởi chờ đón thì nông nghiệp lại chưa có sự chuẩn bị gì đáng kể. "Nhiều nông dân lo lắng, cứ làm ăn thế này, giữ được miếng cơm manh áo còn khó chứ chưa nói gì có sản phẩm cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường thế giới”, vị này bày tỏ.

Suy ngẫm về những số liệu về tăng trưởng GDP 5,52% trong 6 tháng đầu năm 2016, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) tâm tư: "Tăng trưởng giai đoạn vừa qua chưa thực bền vững, bởi vẫn phải dựa vào tăng sản lượng của một số ngành khai thác tài nguyên”.

Vị Chủ tịch VCCI cho rằng, trên con đường “đồng hành” cùng người dân và doanh nghiệp, không ít công chức đã bỏ quên mất chữ “đồng”. Kỷ luật thực thi không nghiêm nên môi trường kinh doanh vẫn chưa được cải thiện nhiều như kỳ vọng. Các chi phí hành chính, chi phí về vốn vẫn ở mức cao, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng thua lỗ, phá sản. 

"Sức nóng và sự thôi thúc của cải cách chưa thấm được tới hành vi và thái độ của từng công chức ở cơ sở để mỗi người dân và doanh nghiệp có thể cảm nhận, yên tâm”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu thực tế.

Các đại biểu yêu cầu, Chính phủ phải xác định rõ lỗ hổng trong quá trình đầu tư, trách nhiệm cá nhân, tập thể và xử lý thoả đáng. Cùng với đó, kiên quyết loại bỏ tình trạng “nâng giấy phép con thành giấy phép cha”, chặn ra giấy phép con mới và có cơ chế xử lý nghiêm với chủ thể “đẻ” ra giấy phép con.

Nhưng theo Chủ tịch VCCI, thời gian còn quá ngắn để tư duy và hành động của Chính phủ minh chứng được kết quả trên thực tiễn, nhưng niềm tin đã trở lại.

“Người dân và doanh nghiệp đã 'ứng trước' niềm tin cho Chính phủ và để không phụ niềm tin của người dân và doanh nghiệp phải chăng đang là thách thức lớn nhất đối với Chính phủ”, ông bày tỏ và đề nghị Quốc hội tạo điều kiện để Chính phủ giải quyết tận gốc rễ những nút thắt về chi tiêu Chính phủ, nợ công, nợ xấu, chậm chạp cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước… đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nêu trong báo cáo.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng kỳ vọng: “Các thành viên Chính phủ sẽ bắt tay ngay xây dựng, tái cơ cấu lĩnh vực mình được phân công, phụ trách. Và con đường từ lời nói tới hành động sẽ được rút ngắn trong nhiệm kỳ Chính phủ mới này".

Nguyễn Hoài - Võ Hải

Let's block ads! (Why?)