Số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho thấy từ đầu năm đến 20/8/2016, cả nước có 1.619 dự án mới có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký, với tổng vốn đăng ký 9,79 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,57 tỷ USD, ít hơn 16,3% so với cùng thời điểm 2015.
Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn bổ sung trong 8 tháng năm nay đạt gần 14,4 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 8 tháng ước tính đạt 9,8 tỷ USD, tăng 8,9%.
Singapore vươn lên vị trí thứ 2 về đầu tư vốn FDI vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2016. |
Trong số 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI cấp mới tại Việt Nam, Hàn Quốc vẫn đứng đầu với 3,8 tỷ USD là nhà đầu tư lớn nhất, chiếm 39,2% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Vượt qua Nhật Bản, Singapore chiếm vị trí thứ 2 với 1,37 tỷ USD (chiếm 14%), kế đến là Hong Kong (Trung Quốc) với số vốn cấp mới 818 triệu USD, chiếm 8,4%... Sau một thời gian dài giữ vị trí đầu, Nhật Bản đã tụt xuống vị trí thứ 6 trong số quốc gia có dự án FDI cấp mới vào Việt Nam, chỉ với 552 triệu USD.
19 lĩnh vực thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Việt Nam trong 8 tháng, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành thu hút nhiều vốn nhất, với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 6,7 tỷ USD, chiếm 68,7% tổng vốn đăng ký cấp mới. Ngành bất động sản ở đứng thứ 2 với 859 triệu USD, chiếm 8,8%.
Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước, tổng vốn FDI mà các nhà đầu tư đã "đổ" vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn 10,5 tỷ USD, chiếm 73,3% tổng vốn đăng ký. Ngành bất động sản đạt 836 triệu USD.
Nhà đầu tư nước ngoài đã đổ vốn vào 47 tỉnh, thành phố. Hải Phòng vẫn là địa phương thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nhất, với số vốn FDI đăng ký lên tới 1,86 tỷ USD, chiếm 19% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hà Nội 964 triệu USD, Bình Dương 898 triệu USD….