Doanh nghiệp vận tải biển tiếp tục chìm sâu trong thua lỗ

Giữa năm 2016, HĐQT Công ty Cổ phần Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (VSP) đã thông qua việc doanh nghiệp dừng hoạt động vì thua lỗ kéo dài. Trước đó từ cuối năm 2013, vốn chủ sở hữu của công ty đã âm hơn 1.800 tỷ đồng. Dù đã bán hết tàu nhưng VSP vẫn đang phải cõng khoản nợ phải trả 2.700 tỷ đồng và không có khả năng trả. 

Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu cũng bị lỗ 14,79 tỷ đồng trong năm 2015 và là năm thứ 2 thua lỗ liên tiếp. Năm 2016, doanh nghiệp này cũng chỉ đặt mục tiêu giảm lỗ so với năm 2015. 

Tương tự, Công ty cổ phần Vận tải Biển Bắc cũng đang ghi nhận lợi nhuận âm do nhu cầu vận tải biển sụt giảm, giá cước liên tục lao dốc. Hết quý I/2016, doanh nghiệp này lỗ lũy kế hơn 3,1 tỷ đồng, nợ phải trả 5,3 tỷ đồng. 

doanh-nghiep-van-tai-bien-tiep-tuc-chim-sau-trong-thua-lo

Tàu Vinalines Global được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đề xuất bán. Ảnh: Xuân Hoa

Tại hội nghị doanh nghiệp vận tải biển mới đây, ông Trịnh Quốc Đạt - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Diêm Điền (Thái Bình) chia sẻ doanh nghiệp có những con tàu phải nằm bờ 25 ngày mới có một chuyến hàng. Trong khi đó, giá cước vận tải biển quá rẻ, chở hàng từ TPHCM ra đến Hà Nội chỉ 70.000 đồng một tấn, "bằng 2 bát phở". 

Ông Trịnh Quốc Đạt còn cho biết, tàu lưu thông trên luồng tuyến bị cơ quan chức năng kiểm tra quá nhiều. Trong khi đó hàng hóa khan hiếm, doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam không cạnh tranh được với các hãng tàu lớn trên thế giới.

Bên cạnh đó, từ năm 2009-2010, khi mà lãi suất vay tín dụng lên tới 20-22%, có doanh nghiệp vay 15 tỷ đồng để đóng tàu 3.000 CV trị giá 20 tỷ đồng. Đến nay, đã trả cả gốc, cả lãi là 16 tỷ đồng, nhưng vẫn còn nợ ngân hàng đến 25 tỷ đồng. “Lãi suất quá lớn khiến chủ tàu luôn trong tình trạng lo lắng bị thu tàu”, ông Trịnh Quốc Đạt chia sẻ. 

Đại diện Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng nhìn nhận, thị trường vận tải biển sụt giảm nghiêm trọng, chưa bao giờ đà suy thoái kéo dài đến như vậy. Năm 2008 thì thị trường vận tải biển bắt đầu suy giảm. Theo quy luật, chu kỳ thường kéo dài 6 năm sẽ bắt đầu hưng thịnh trở lại. Tuy nhiên, đợt suy thoái này kéo dài đã gần chục năm nhưng chưa có dấu hiệu hưng thịnh trở lại. Nhiều hãng vận tải biển lớn trên thế giới cũng đã rơi vào cảnh thua lỗ. Phần lớn doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam đều đạt mức lợi nhuận trực tiếp từ hoạt động kinh doanh - khai thác tàu thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. 

Theo lãnh đạo Vinalines, doanh nghiệp này cũng đã bán gấp 6 con tàu để cắt lỗ do tàu đã có tuổi thọ hơn 20 năm và khai thác không hiệu quả. Trong tình hình hiện nay là cước thấp, hầu hết tàu không hoạt động mà vẫn phải bỏ tiền duy trì, kinh doanh không hiệu quả. 

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công cho rằng, giá vận chuyển vận tải biển sụt giảm mạnh một phần do sự cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp hạ giá cước để tranh giành khách hàng thì sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp vận tải nước ngoài.

"Bộ Giao thông Vận tải chỉ là cơ quan quản lý Nhà nước, không thể can thiệp vào giá cước bởi đây là yếu tố thị trường, có tính chất quốc tế. Nếu các doanh nghiệp trong nước còn tiếp tục hạ giá cước vận tải biển thì sẽ kéo nhau chết chìm”, ông Nguyễn Văn Công nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giao thông cho biết, sẽ kiến nghị Bộ Tài chính tháo gỡ một số vấn đề về phí cảng biển, tháo gỡ thủ tục về phí, hải quan… cho các doanh nghiệp. Với những kiến nghị về giảm thuế VAT cho doanh nghiệp vận tải biển xuống 5%, hay hỗ trợ lãi suất đóng tàu, Bộ Giao thông sẽ kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có chính sách, giải pháp phù hợp để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Đoàn Loan

Let's block ads! (Why?)