'Gã khổng lồ' Thế Giới Di Động bước chân vào nông nghiệp sạch

Nguyễn Đức Tài là một trong những người sáng lập và hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thế Giới Di Động (Mã CK: MWG). Với quan niệm “CEO giỏi cần có chữ tín và sự thành tâm”, ông Tài đã xây dựng được một đội ngũ mạnh, từng bước đưa Thế Giới Di Động trở thành một trong những nhà bán lẻ mặt hàng di động hàng đầu Việt Nam và mở rộng thị phần ra nước ngoài.

Năm 2011, sau 7 năm khởi sự từ một cửa hàng di động nhỏ, Thế Giới Di Động bắt đầu tạo sự chú ý đặc biệt khi đã có 80 siêu thị. Và kể từ 2012 đến nay, công ty này luôn bùng nổ về số lượng với việc phủ khắp cả nước.

Sau khi thăng hoa với chuỗi bán lẻ điện thoại di động, việc mở rộng các sản phẩm điện máy đã mở ra hướng mới để công ty định hình một "đế chế bán lẻ" và tham vọng trở thành tập đoàn đa ngành. Đến 2016, với việc mỗi ngày mở hai siêu thị, thì chỉ đến cuối tháng 7, công ty đã công bố hoàn tất quá trình mở rộng hệ thống Điện máy xanh tới 63/63 tỉnh thành của Việt Nam. Kỳ vọng đến 2017, “gã khổng lồ” này sẽ chiếm 30% thị phần điện máy ở Việt Nam, trở thành một trong 3 công ty hàng đầu Việt Nam về bán lẻ thiết bị gia dụng và điện tử.

Không dừng lại thị trường trong nước, với doanh thu và lợi nhuận không ngừng tăng, ông Tài bắt đầu sải bước tới thị trường nước ngoài. Năm 2015, Thế Giới Di Động chính thức cán đích doanh thu trên 1 tỷ USD. 2016, công ty đặt kế hoạch đạt 850-1.000 cửa hàng, doanh thu 34.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 1.400 tỷ. Năm tới, doanh nghiệp này sẽ kết hợp cùng đối tác mở cửa hàng đầu tiên tại Myanmar với số vốn ban đầu được tiết lộ là vài triệu USD. Mục tiêu 2020, công ty sẽ mở rộng kinh doanh thành công ở Lào, Campuchia và Myanmar, đồng thời, tăng thị phần điện thoại di động từ 30% lên 40%. Mở rộng chuỗi Điện Máy Xanh để trở thành nhà bán lẻ điện máy số một vào cuối 2017.

ga-khong-lo-the-gioi-di-dong-buoc-chan-vao-nong-nghiep-sach

Ông Nguyễn Đức Tài cho rằng một CEO giỏi cần giữ chữ tín và sự thành tâm. 

Dự định, đến 2020, nếu thị phần ngành bán lẻ Việt Nam tăng lên 45% thì thị phần cửa hàng Thế Giới Di Động cũng sẽ chiếm 60% của riêng nhóm ngành này. Theo đó, đến 2018 Hội đồng quản trị kỳ vọng công ty sẽ cán đích doanh thu 2 tỷ USD, tức là trong vòng 3 năm Thế Giới Di Động sẽ kiếm thêm được 1 tỷ USD.

Không ngừng phát triển ở hai mảng cốt lõi trên, Nguyễn Đức Tài còn mở rộng sang những dự án đóng góp thiết thực cho xã hội. Trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan, tháng 9/2015 ông đã cùng các công sự của mình cho ra đời mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực không hề liên quan đến những gì ông đã làm trước đây - kinh doanh thực phẩm với cửa hàng mang thương hiệu  Bách hóa xanh.

"Hãy nghĩ đến viễn cảnh mà chúng ta có thể dễ dàng mua được những thực phẩm tươi mới, có xuất xứ rõ ràng, thông tin đầy đủ ngay từ trên mạng, được phân phối trong những hệ thống bán hàng rộng khắp của công ty hoặc giao tận nhà để có thể chuẩn bị các bữa ăn thơm ngon, đầy chất dinh dưỡng…", ông Tài nói, đồng thời chia sẻ trước mắt là phục vụ xã hội. Đây là một việc mà bất cứ doanh nhân nào cũng nên làm. Cho nên, thời kỳ đầu Bách hóa xanh sẽ bán làm sao cho khách hàng nhanh nhất, rẻ nhất và không quá chú ý đến lợi nhuận. Dự án vẫn đang thực hiện chiến lược “mua đắt mà bán rẻ”.

Theo giải thích của Chủ tịch MWG, mua đắt ở đây không phải là dưới giá vốn mà mua từ người bán sỉ, không phải từ nhà sản xuất. Bách Hóa xanh bán giá ngang bằng hoặc thấp hơn so với siêu thị chút ít vì lấy mức lợi nhuận rất thấp. Một khi chuỗi cửa hàng này phát triển mạnh thì lúc đó, nhà sản xuất sẽ tự đến gõ cửa và làm việc trực tiếp với Bách hóa xanh. Tới nay, dù chưa đảm bảo sẽ cung cấp nguồn rau sạch 100%, nhưng theo ông Tài muốn đảm bảo được nguồn rau, cần làm các mô hình canh tác khác như mô hình công ty. Các doanh nghiệp nông nghiệp sẽ kiểm soát được việc họ phun gì theo quy trình. Việc làm này, theo ông vài năm nữa, mối liên kết giữa Bách hóa xanh và doanh nghiệp nông nghiệp sẽ hình thành.

Ngoài hoạch định chiến lược tốt, ông Tài luôn ưu tiên chữ “tâm” để quản lý nhân sự. Theo ông, nếu coi các đối tượng ưu tiên xếp theo hình tam giác, trên cùng sẽ là khách hàng tiếp đến là nhân viên, cuối cùng mới là cổ đông và đối tác. Do đó, nếu có mâu thuẫn lợi ích giữa nhân viên và các cổ đông, hay đối tác, nhà cung cấp, công ty vẫn sẽ ưu tiên bảo vệ quyền lợi nhân viên. Thế nên, trong đại hội cổ đông năm 2016, dù tranh cãi với cổ đông gay gắt về Esop nhưng ông vẫn giữ nguyên quan điểm chia cổ phiếu thưởng cho nhân viên. Bởi theo ông, "Có thực mới vực được đạo, nếu không giúp nhân viên, các cán bộ quản lý yêu công ty này sẽ không kiểm soát nổi hệ thống trên và cũng sẽ chẳng có ngày hôm nay”.

VnExpress đang tổ chức chương trình bình chọn "Startup Việt - Sải bước thành công" nhằm tìm ra 18 Startup Việt Nam nổi bật trong năm để góp phần thúc đẩy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp, vinh danh những mô hình kinh doanh đột phá, phát triển bền vững và hữu ích về kinh tế - xã hội.

Hiện danh sách 30 startup triển vọng nhất được công bố trên website của chương trình tại http://startup.vnexpress.net/ để độc giả bình chọn trực tuyến.

Thi Hà

Let's block ads! (Why?)