Những dòng máy bay có thể phá vỡ thế độc quyền của Airbus và Boeing

Thứ sáu, 30/12/2016 | 01:12 GMT+7

Thứ sáu, 30/12/2016 | 01:12 GMT+7

Sản phẩm của Bombardier, Mitsubishi hay COMAC được kỳ vọng cạnh tranh được với hai gã khổng lồ trong mảng máy bay thân hẹp.

Thị trường máy bay thân hẹp hiện là một trong những phân khúc béo bở nhất và cạnh tranh sôi nổi nhất trong ngành hàng không. Tuy nhiên, 15 năm qua, cuộc cạnh tranh gay gắt ấy gần như chỉ diễn ra giữa hai công ty - Airbus và Boeing.

Những năm gần đây, nhằm phá vỡ thế độc quyền này, nhiều công ty trên thế giới đã tung ra các mẫu máy bay mới. Gần đây nhất là Irkut MC-21. Theo Business Insider, dưới đây là những máy bay được thiết kế để thách thức với hai đại gia này.

1. Bombardier C Series

Dòng máy bay đến từ Canada này là đối thủ nổi bật nhất của Airbus và Boeing. Dù Bombardier đã khá nổi tiếng trên thị trường máy bay cỡ nhỏ, chặng ngắn, C-Series sẽ là lần đầu tiên công ty cạnh tranh với hai gã khổng lồ từ Mỹ và châu Âu.
Đến giờ, Bombardier vẫn đang nỗ lực để đạt được mức doanh số như Boeing 737 và Airbus A320. Tuy nhiên, C- Series được đánh giá tốt về kiểu dáng, thiết kế và tiết kiệm nhiên liệu.

Dòng C-Series có 2 phiên bản, gồm CS100 - 133 chỗ ngồi và CS300 - 160 chỗ ngồi. Cũng như A320neo, C-Series sử dụng động cơ tuốc bin cánh quạt Pratt &Whitney PW 1500G. Bombardier C- Series hiện có hơn 300 đơn hàng và đã hoạt động từ tháng 7.

2. Embraer E-Jet E2

Cũng như Bombardier, Embraer (Brazil) là một nhà sản suất máy bay cỡ nhỏ khá nổi tiếng. Sản phẩm cạnh tranh của Embraer là E2- thế hệ thứ hai của dòng E-Jet. E2 được Embraer cam kết là sự thay thế tốt hơn và nhỏ hơn cho A319 và MAX7.

Dòng E2 có 3 phiên bản, với sức chứa lần lượt 88, 106 và 132 người. Máy bay này dùng động cơ tuốc bin cánh quạt Pratt & Whitney. Embraer hiện có 270 đơn hàng cho E2. Máy bay dự kiến hoạt động năm 2018.

3. Mitsubishi MRJ

Mitsubishi MRJ sẽ trở thành máy bay thương mại nội địa đầu tiên của Nhật Bản trong 50 năm qua. Dòng Mistsubishi Regional Jet (MRJ) có 2 phiên bản: MRJ 70 và MRJ90, với sức chứa lần lượt 80 và 92 người. MRJ nhỏ hơn nhiều so với A320neo và 737MAX, nhưng khá phù hợp với các đường bay nội địa.

MRJ sẽ sử dụng động cơ tuốc bin cánh quạt Pratt & Whitney và sẽ được đưa vào hoạt động năm 2018. Hiện Mitsubisi có hơn 220 đơn hàng MRJ.

4. COMAC ARJ21

COMAC ARJ21 là máy bay hiện đại đầu tiên của Trung Quốc. Tập đoàn Hàng không Thương mại Trung Quốc (COMAC), đã được thành lập năm 2008 để thiết kế và sản xuất máy bay, phục vụ ngành hàng không đang bùng nổ tại đây.

ARJ21 có sức chứa 90 người, được thiết kế phục vụ cho những chặng tầm ngắn đến tầm trung. Máy bay sử dụng cặp động cơ CF34-10A của General Electric. COMAC hiện có gần 350 đơn hàng, và chủ yếu từ hãng bay trong nước và công ty cho thuê máy bay. ARJ21 đã hoạt động từ cuối năm ngoái.

5. COMAC C919

C919 là dòng máy bay phản lực đầu tiên Comac thiết kế để đối đầu với A320neo và 737 MAX. Chiếc máy bay 168 chỗ ngồi này được kỳ vọng sử dụng động cơ CFM LEAP 1C.

Đến nay, hãng máy bay Trung Quốc đã nhận được 517 đơn hàng cho C919, chủ yếu từ công ty trong nước. Công ty này sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm sau và chính thức hoạt động sau năm 2020.

6. Irkut MC-21

Irkut MC-21 là dòng máy bay mới nhất gia nhập thị trường hàng không Nga. MC-21 có hai phiên bản - 165 chỗ và 211 chỗ.  Nó sử dụng một trong hai loại động cơ - Avidvigatel (Nga) và Pratt & Whitney (Mỹ).

Irkut hiện có 175 đơn hàng, chủ yếu là từ hãng nội địa và công ty cho thuê. Mặc dù Irkut ít được biết đến trong phân khúc hàng không thương mại, nhưng Irkut và chi nhánh Yakovlev của công ty đã có lịch sử lâu đời chế tạo một số máy bay quân đội cao cấp trên thế giới. Bên cạnh đó, Irkut cũng sản xuất một số linh kiện cho đối thủ Airbus A320.

Thanh Quý (theo BI)

Xem thêm:

Recommended article: The Guardian's Summary of Julian Assange's Interview Went Viral and Was Completely False.