Thống đốc: Năm 2016, đồng Việt Nam mất giá 1,1-1,2%

Thông tin nêu trên được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 29/12.

Phân tích việc điều hành tỷ giá, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, thị trường ngoại tệ và tỷ giá năm qua khá ổn định, củng cố lòng tin nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngay cả khi đồng tiền các nước chịu sự rung lắc mạnh do những diễn biến bất thường như sự kiện Brexit, bầu cử Tổng thống Mỹ... thì thị trường ngoại tệ và tỷ giá của Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định.

"Đến cuối năm 2016, đồng Việt Nam mới mất giá 1,1-1,2% và thanh khoản ngoại tệ trên thị trường ổn định", Thống đốc nói và cho rằng, sự ổn định của đồng tiền là nhờ sự chủ động trong điều hành chính sách tỷ giá, tiền tệ, lãi suất... 

"Nếu như bình thường các năm trước, Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp vào thị trường ngoại tệ rất mạnh để ổn định tỷ giá, thì năm nay mức độ can thiệp rất nhẹ. Nhu cầu mua bán ngoại tệ cuối năm có tăng nhưng cơ bản thị trường ngoại tệ vẫn ổn định”, Thống đốc nhấn mạnh.

thong-doc-nam-2016-dong-viet-nam-mat-gia-1-1-1-2

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, dù đồng tiền các nước trong khu vực, thế giới chịu sự rung lắc mạnh trước những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới, nhưng tiền Việt Nam năm qua chỉ mất giá nhẹ. Ảnh: Anh Quân

Cũng theo người đứng đầu cơ quan quản lý tiền tệ, tới cuối năm 2016 tốc độ tăng tín dụng có thể đạt 18,5%. Khác với mọi năm, tín dụng tăng "dàn đều" qua các tháng chứ không "dồn toa" vào cuối năm như những năm trước đây. 

Năm 2017 dự báo kinh tế thế giới sẽ có những diễn biến khó lường, nhiều nước áp dụng chính sách phá giá đồng tiền hỗ trợ xuất khẩu, hay bảo hộ mậu dịch... nên chính sách tiền tệ trong nước cũng sẽ được nhà điều hành tiến hành thận trọng, linh hoạt đảm bảo hài hoà mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế ở mức cao, kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý. 

Thống đốc Lê Minh Hưng đề nghị Chính phủ vẫn tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát để đảm bảo sự bền vững cho nền kinh tế.

Nhưng trong chính sách vĩ mô cần hạn chế sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ thay cho các giải pháp tài khóa và ngân sách. “Vấn đề này tôi cũng bàn với đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính phân công rạch ròi trong điều hành để đảm bảo sự nhất quán trong điều hành vĩ mô”, Thống đốc nói.

Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ Tài chính xác định cụ thể về khối lượng, kỳ hạn trái phiếu Chính phủ phát hành để phối hợp được chặt chẽ hơn với chính sách tiền tệ.

Let's block ads! (Why?)