Ngày mùng 2 Tết, chị Thái (Long Biên, Hà Nội) đưa cả gia đình tới hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) du Xuân. Vừa ghé vào một quán trông xe bên đường Hàng Gai chị được báo giá gửi xe 50.000 đồng một chiếc, đắt gấp 5 lần so với ngày thường.
“Ngày thường tôi hay cho con lên đây chơi, gửi xe khu vực đường Nguyễn Xí cũng chỉ 10.000 đồng, nhưng ngày Tết tăng giá gấp 5 lần thì quả là quá… chát”, chị Thái nói. Dù bị "chặt chém" nhưng chị cũng đành ngậm ngùi gửi vì “nếu không cũng chả biết mang xe đi đâu”.
Không bị thổi phồng giá trông xe quá mức như tại khu vực bờ Hồ, song anh Phong (Khương Đình, Hà Nội) cũng phải bỏ 20.000 đồng gửi chiếc xe máy vào chùa Phúc Khánh khi cùng gia đình đi lễ chùa chiều mùng 2 Tết. Phải trả tiền gửi xe giá cao, theo anh Phong không bực bằng việc bị chèo kéo, khi vừa thấy khách là lập tức vài ba người xà tới “vời” vào gửi. Ngoài giá coi xe máy tăng gấp đôi thì giá trông ôtô tại khu vực này cũng được tăng lên tới 80.000-100.000 đồng một xe, nhưng giới hạn chỗ và khách phải đi một đoạn khá xa mới tới địa điểm gửi.
Tại các khu phố trung tâm các cửa hàng trông xe tự phát mọc lên với giá 20.000 đồng một xe máy. |
Kiếm bộn từ dịch vụ gửi xe không chỉ ở vị trí đắc địa như hồ Hoàn Kiếm, mà các khu vực xung quanh trung tâm thương mại, công viên… cũng lời khủng. Anh Toàn - chủ bãi xe gần một trung tâm thương mại trên đường Tây Sơn (Hà Nội) cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 300-400 lượt gửi xe, nhưng vào dịp Tết có thể lên đến 600-700 lượt gửi. Với giá 10.000 đồng một lượt, gấp đôi so với ngày thường trong năm, trừ tiền thuê bãi, thuê nhân công, trung bình mỗi ngày anh Minh lãi 3-4 triệu đồng.
Tại Hải Phòng, khu vực đường trung tâm gần Nhà hát lớn thành phố như Trần Phú, Nguyễn Đức Cảnh hay Trần Hưng Đạo…, các điểm trông giữ xe tự phát cũng mọc lên như nấm.
Năm nay là năm thứ 2 gia đình bà Hoan (Nguyễn Đức Cảnh, Hải Phòng) mở dịch vụ trông xe ngày Tết. Công việc thời vụ này giúp gia đình bà rủng rỉnh tiêu Tết nhưng cũng cực không kém. Năm ngoái, chỉ từ 29 Tết đến mùng 6 Âm lịch, gia đình bà thu về gần 20 triệu đồng. Với giá trông xe máy, xe đạp điện 20.000 đồng một chiếc, bà Hoan ước tính doanh thu năm nay chỉ quanh 10-15 triệu đồng do số ngày nghỉ Tết ít hơn năm ngoái và đêm giao thừa không bắn pháo hoa cũng khiến cửa hàng trông xe của bà giảm thu.
“Bắt đầu từ 9h sáng cho tới khuya, cả 3 người trong gia đình liên tục túc trực ngoài đường để vẫy khách vào gửi xe. Dù vất vả nhưng cũng giúp cả nhà kiếm tiền triệu mỗi ngày”, bà Hoan kể.
Ngoài trông xe thì dịch vụ cho thuê áo dài chụp ảnh cũng hốt bạc dịp Tết. Mặc áo dài chụp ảnh vào những ngày Xuân đã thành “mốt” của các bạn trẻ tại Hải Phòng vài năm nay. Địa điểm quen thuộc thường được giới trẻ lui tới là khu vực trung tâm Nhà hát lớn thành phố.
Cho thuê áo dài cách tân chụp ảnh nở rộ trong dịp Tết năm nay. Giá thuê mỗi bộ áo dài người lớn 100.000 đồng, trẻ em 50.000 đồng. |
Tận dụng trang phục áo dài của tiệm chụp ảnh gia đình, để thoả mãn nhu cầu của khách thuê, chị Thoa (Trần Phú, Hải Phòng) đầu tư thêm vài chục bộ áo dài cách tân và váy áo dân tộc mới. Với lợi thế đối diện ngay Nhà hát lớn thành phố, cửa hàng cho thuê và bán áo dài của chị không ngớt khách vào ra. Mỗi bộ áo dài trẻ em có giá thuê 50.000 đồng, người lớn 100.000 đồng, chị thu về cả triệu mỗi ngày.
Đang mặc thử cho con gái chiếc áo dài, chị Hạnh (Lý Tự Trọng, Hải Phòng) cho hay, hai mẹ con muốn lưu lại hình ảnh dịp Xuân mới trong trang phục áo dài truyền thống nên đã chọn thuê để cùng con gái chụp hình. “Thuê áo dài vừa nhanh vừa hợp túi tiền. Chỉ bỏ 100.000 đồng một lần thuê không giới hạn thời gian trong ngày là có thể thoả thích chụp hình, tiết kiệm hơn nhiều so với việc bỏ cả triệu đồng mua hay may”, chị Hạnh tính toán.
Theo chị Thoa, hầu hết khách tới thuê là các bạn trẻ, thậm chí có cả khách nước ngoài. Ngày Tết, áo dài màu đỏ và vàng được hỏi thuê nhiều nhất, bởi đây là hai màu được quan niệm đem lại nhiều may mắn trong năm mới và cũng giúp chủ nhân nổi bật giữa rừng hoa xuân khoe sắc.
Anh Minh