Từ tháng 10 năm ngoái, Bộ Thông tin & Truyền thông đã lần lượt cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông 4G cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), sau đó là MobiFone. 4G là công nghệ truyền dữ liệu di động thế hệ thứ 4, cho phép đưa tốc độ truyền tối đa lên tới 1-1,5 gigabits mỗi giây, tức là gấp vài trăm lần so với tốc độ vài chục megabits của mạng 3G hiện nay.
Lẽ ra, phải đến năm 2017, việc cấp phép này mới được thực hiện. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm triển khai thử nghiệm vào tháng 10/2015, các nhà mạng đều đề xuất sẽ sớm được đưa vào triển khai chính thức bởi đây là một trong những trận đánh chiến lược để các nhà mạng có thể đỡ bế tắc với bài toán tăng doanh thu, lợi nhuận trong năm 2017, đặc biệt giữa bối cảnh việc tăng thuê bao trở nên vô cùng khó khăn.
Trong một buổi chia sẻ gần đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Viettel thừa nhận việc phát triển thêm thuê bao trong nước hiện nay rất khó. Vì thế, để tăng doanh thu trên mỗi thuê bao, các nhà mạng đều phải đẩy mạnh các dịch vụ giá trị gia tăng. Các ông lớn viễn thông khác cũng không ít lần than rằng phát triển thuê bao mới ngày càng khó do đã cán ngưỡng bão hòa, tổng số thuê bao di động đã gấp rưỡi tổng số dân. Trong năm 2016, khi các đầu số lộc, phát 086, 088, 089 được cấp phép, cuộc đua phát triển thuê bao mới có phần sôi động hơn song những biến động này cũng không khiến kết quả kinh doanh của các nhà mạng khả quan hơn trong năm qua.
Cuộc đua của các doanh nghiệp viễn thông trong năm 2017 dự kiến sẽ diễn ra rất gay cấn bởi giấy phép chính thức triển khai 4G đã được cấp cho các nhà mạng. Ảnh: A.Q |
Báo cáo tổng kết cuối năm 2016 của Bộ Thông tin & Truyền thông cho thấy, 3 nhà mạng lớn đều tăng trưởng về con số thuê bao mới, song tốc độ đang chậm lại. Bên cạnh đó, 2 trong 3 doanh nghiệp viễn thông tuy vẫn tăng trưởng thuê bao nhưng vẫn bị giảm về lợi nhuận so với 2015. Cụ thể, MobiFone phát triển mới được 19 triệu thuê bao, tăng trưởng 11% so với năm 2015. Doanh thu của nhà mạng cũng tăng 1.500 tỷ đồng song lợi nhuận trước thuế lại giảm 2.200 tỷ, tương đương mức giảm tới 42%.
Viettel cũng có thêm 7,4 triệu thuê bao mới, nâng tổng số thuê bao của đơn vị này đạt khoảng 90 triệu song đa số thuê bao mới lại ở thị trường nước ngoài. Doanh thu của đại gia viễn thông này cũng tăng 3.800 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 2.600 tỷ.
Không chỉ xin cấp phép chính thức triển khai 4G sớm hơn dự kiến, các nhà mạng từ lâu còn chuẩn bị kỹ lưỡng từng đường đi nước bước nhằm giành thế thượng phong trên thị trường. Thực tế, chỉ một tuần sau khi nhận giấy phép, tức khoảng đầu tháng 11/2016, VNPT – VinaPhone đã chính thức cung cấp dịch vụ 4G tại huyện đảo Phú Quốc. Ngay sau đó, đầu năm 2017, Viettel thông báo, miễn phí đổi sim 4G trên toàn quốc. Tuy chậm chân hơn, song MobiFone đã có chính sách khuyến khích khách hàng đổi sim 4G bằng cách tặng voucher trị giá nửa triệu đồng để thu hút người dùng...
Tổng giám đốc Viettel - Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết nhà mạng này sẽ triển khai 4G như đã từng làm với mạng 2G trước đây, với mục tiêu phổ cập dịch vụ băng rộng di động tới hầu hết người dùng. Lãnh đạo doanh nghiệp đang chiếm giữ thị phần lớn nhất cũng đặt tham vọng đưa Việt Nam vào danh sách 30 quốc gia triển khai 4G mạnh nhất trên thế giới trong vài năm tới. Viettel cũng là nhà mạng đầu tiên giục Bộ Thông tin & Truyền thông sớm cấp phép 4G vì cho rằng đây là xu hướng tất yếu của viễn thông thế giới.
Trong khi đó, chia sẻ với báo giới, lãnh đạo VinaPhone cũng cho rằng 4G là cuộc chơi mới mà họ chờ đợi từ lâu. Lý do là các nhà mạng sẽ phải bắt đầu thu hút thuê bao 4G từ con số 0, điều đó cũng đồng nghĩa các doanh nghiệp viễn thông sẽ như được cùng đặt vào một vạch xuất phát.
Về giá cước, hơn một lần các nhà mạng đều khẳng định sẽ cung cấp dịch vụ với giá cước tương đương 3G. Tuy nhiên, với tốc độ cao gấp nhiều lần 3G nên các doanh nghiệp viễn thông cũng kỳ vọng người dùng sẽ tăng dung lượng sử dụng, theo đó chi phí cho dùng gói dữ liệu sẽ tăng và doanh thu của nhà mạng cũng sẽ cao hơn.
Không chỉ cải thiện về mặt doanh thu, theo ông Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc Qualcomm thị trường Việt Nam, Lào, Campuchia, việc đầu tư 4G có thể khiến chi phí nhà mạng trên từng MB với 4G sẽ thấp hơn 3G và 2G rất nhiều. Như vậy, việc cung cấp 4G còn có thể mang lại lợi nhuận cao hơn cho các nhà mạng. Trong khi đó, theo ông Nam, việc triển khai thêm 4G không mấy khó khăn với các doanh nghiệp viễn thông, bởi họ chỉ cần cải tiến, thêm thắt phụ tùng ở những trạm phát sóng đã có sẵn.
Không chỉ 3 nhà mạng lớn, các nhà mạng nhỏ cũng đang kỳ vọng có thể “lật ngược thế cờ” trong cuộc đua 4G mặc dù đang đối mặt với những khó khăn liên tiếp trong nhiều năm qua. Hiện ngoài 3 nhà mạng lớn, giấy phép 4G thứ 4 đã được cấp cho cho Công ty cổ phần viễn thông toàn cầu Gtel, đơn vị là chủ đầu tư mạng di động Gmobile.
Gmobile đang là mạng di động nhỏ nhất trên thị trường Việt Nam còn hoạt động. Hơn 2 năm trở lại đây, hãng này chỉ hoạt động một cách cầm chừng, dựa trên số lượng thuê bao khá khiêm tốn và tỷ lệ phát sinh cước, thuê bao thấp. Bên cạnh đó, nhà mạng này gần như không còn các hoạt động quảng bá gói cước, dịch vụ, chương trình khuyến mại gì mới trên thị trường.
Một nhà mạng nhỏ nữa là Vietnammobile cũng đang xin cấp phép 4G mặc dù kết quả kinh doanh vẫn theo chiều hướng giật lùi khi lượng thuê bao ngày càng giảm. Gần đây, Hutchison Asia Telecommunications (Hong Kong) cùng Công ty Viễn thông Hà Nội vẫn quyết định đầu tư thêm 450 triệu USD để tiếp tục cùng Vietnamobile trụ lại tại thị trường Việt Nam.
Việc tiếp tục xin cấp phép 4G cũng cho thấy những toan tính riêng của các nhà mạng nhỏ trong cuộc đua mới, đặc biệt trong bối cảnh chính sách chuyển mạng giữ số dự kiến sẽ sớm diễn ra trong năm 2017.