Cổ phiếu Vietjet tăng trần 20% khi chào sàn

Sáng nay, cổ phiếu VJC của Công ty cổ phần hàng không VietJet (Vietjet Air) chính thức góp mặt trên bảng điện tử sàn TP HCM (HOSE). Đây là cổ phiếu hàng không đầu tiên được giao dịch trên thị trường niêm yết (trước đó, cổ phiếu Vietnam Airlines lên sàn UPCoM).

Với giá khởi điểm 90.000 đồng, vốn hóa khi chào sàn của Vietjet đạt 27.000 tỷ đồng, tương đương 1,2 tỷ USD. Với biên độ dao động +/-20%, ngay khi mở phiên, cổ phiếu Vietjet đã được đặt mua giá trần (108.000 đồng) và ATO lên đến gần 3,5 triệu đơn vị nhưng chỉ 10 cổ phiếu được khớp. Đến gần 10h, có 1.000 cổ phiếu được sang tay.

co-phieu-vietjet-tang-tran-20-khi-chao-san

Vietjet chính thức niêm yết trên sàn HOSE.

Theo bản cáo bạch, Vietjet có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng với 664 cổ đông theo danh sách chốt đến ngày 12/1/2017. Trong đó có 3 cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn điều lệ là Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny (23,24%), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (9,42%) và Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore (5,48%).

Ngoài vai trò Tổng giám đốc Vietjet, bà Thảo còn là chủ sở hữu 100% vốn của Công ty Hướng Dương Sunny. Như vậy bà Thảo hiện trực tiếp và gián tiếp sở hữu 32,66% cổ phần của Vietjet, tương đương khoảng 10.580 tỷ đồng.

Bản cáo bạch cũng cho biết, Vietjet đặt kế hoạch trong 3 năm tới sẽ tăng doanh thu lên gấp đôi, đạt gần 57.000 tỷ đồng vào năm 2019 với lợi nhuận sau thuế gần 5.000 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến đạt 50% trong 3 năm tới, tối thiểu 30% bằng tiền mặt. 

Vietjet Air được thành lập vào năm 2007, là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam được cấp phép hoạt động trên các đường bay trong nước và quốc tế. Thị phần của Vietjet tính theo lượng hàng khách vận chuyển đạt hơn 20% cuối năm 2013, tăng lên 31,1% năm 2015 và đạt 41% tính đến ngày 30/6/2016, chỉ kém Vietnam Airlines 1% thị phần.

Năm 2016, hãng đạt doanh thu hơn 27.532 tỷ đồng, tăng gần 39% so với năm 2015 và lợi nhuận đạt 2.394 tỷ đồng, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) là 8.762 đồng một cổ phiếu.

Thi Hà

Let's block ads! (Why?)