Nội dung trên được nêu trong Dự thảo luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố.
Theo dự thảo, một tổ chức tín dụng bị coi là yếu kém và được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt khi rơi vào các trường hợp như: mất khả năng thanh toán; có nguy cơ mất khả năng chi trả; hay lãnh đạo cấp cao (Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc...) vi phạm pháp luật...
Ngoài ra, nếu ngân hàng có số lỗ lũy kế lớn hơn 50% giá trị vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính kiểm toán; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong thời hạn một năm liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp hơn 4% trong thời hạn 6 tháng liên tục... cũng sẽ bị đưa vào danh sách kiểm soát.
Khi rơi vào tình trạng trên, ngân hàng yếu kém phải thuê kiểm toán độc lập để đánh giá thực trạng tài chính, xác định giá trị thực của vốn điều lệ. Căn cứ kết quả này Ban kiểm soát đặc biệt sẽ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định giá trị và mức vốn cần được bổ sung để bảo đảm giá trị thực vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định.
Nếu ngân hàng này không hoàn thành tăng vốn trong thời hạn đặt ra của cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng, trình Chính phủ quyết định phương án mua bắt buộc với giá 0 đồng.
Sau khi mua lại, phương án tái cơ cấu toàn diện sẽ được nhà chức trách tiến hành, gồm xử lý tiền gửi của khách hàng là pháp nhân, tiền gửi và tiền vay của các tổ chức tín dụng khác.
GPBank là một trong 3 ngân hàng bị Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng từ giữa năm 2015. |
Thực tế qua 4 năm thực hiện đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý tiền tệ nhìn nhận, các ngân hàng yếu kém đã được nhận diện, cơ cấu lại và không có tình trạng đổ vỡ, tài sản của Nhà nước, nhân dân được bảo đảm an toàn. Cùng với đó sở hữu, đầu tư chéo được xử lý một bước; tình trạng cổ đông, nhóm cổ đông lớn thao túng ngân hàng cũng phần nào được "chặn" đứng.
Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu ngân hàng vẫn còn tồn tại, một trong số đó được nhà chức trách chỉ ra là áp lực xử lý nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro lớn dẫn đến tình hình tài chính của nhiều ngân hàng khó khăn, thua lỗ.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Tính đến 31/12/2016, nợ xấu nội bảng, nợ do Công ty mua bán các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu... lên trên 8,8% tổng dư nợ.
Quá trình cơ cấu ngân hàng vừa qua đã có 3 nhà băng bị mua lại với giá 0 đồng. Trước tiên là Ngân hàng Xây dựng (VNCB) bị Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng ngày 2/2/2015. Hai tháng sau một nhà băng khác là Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) cũng bị mua lại với giá 0 đồng. Tới tháng 7/2015, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank) là ngân hàng thứ 3 bị Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần giá 0 đồng.