Doanh nghiệp vẫn mất tiền 'lót tay' cho hải quan

Tại hội thảo công bố đánh giá cải cách thủ tục hành chính hải quan “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2016” ngày 27/4, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban pháp chế (Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp phải trả phí không chính thức năm 2016 khi thực hiện thủ tục hải quan chiếm 31%, tăng 3% so với một năm trước đó. Trong khi đó, nhóm không trả phí bôi trơn chỉ tăng 1%. 

"Cán bộ hải quan thường viện lý do quá tải, làm chậm hồ sơ hoặc hay bắt lỗi nhỏ nhặt của doanh nghiệp để làm khó. Muốn nhanh, doanh nghiệp phải tự mình bồi dưỡng cho cán bộ hải quan", ông Tuấn nêu.

Thực tế này cũng được ông Đặng Thế Lưỡng - Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp quận Hải An (Hải Phòng) phản ánh. Ông Lưỡng dẫn ví dụ, dù hải quan địa phương đã áp dụng khai báo điện tử, nhưng do quá tải nên cũng không đáp ứng được thời gian. "Muốn thông quan hàng nhanh, doanh nghiệp lại phải thêm phí bôi trơn", ông Lưỡng nói.

doanh-nghiep-van-mat-tien-lot-tay-cho-hai-quan

Các doanh nghiệp phản ánh vẫn phải chi nhiều khoản chi phí ngoài cho cán bộ hải quan để được việc.

Vị này cũng cho hay, doanh nghiệp Hải Phòng phàn nàn khá nhiều về thái độ phục vụ của một số công chức hải quan, thiếu chuyên nghiệp, lịch sự. "Trình độ chuyên môn của một số cán bộ hải quan còn yếu, chưa coi doanh nghiệp là đối tác, khách hàng mà vẫn mang tác phong "quan đối với dân", Tổng thư ký Hiệp hôi doanh nghiệp quận Hải An (Hải Phòng) nói thêm.

Tuy phải trả phí bôi trơn nhưng theo kết quả cuộc khảo sát của VCCI thì 44% doanh nghiệp cho biết không bị phân biệt đối xử nếu không chi phí ngoài. Chỉ khoảng 17% doanh nghiệp bị phân biệt đối xử nếu không chi ngoài, giảm gần một nửa so với năm ngoái. 

Doanh nghiệp phải chi nhiều phí bôi trơn, theo Trưởng ban pháp chế VCCI, là do còn nhiều khâu doanh nghiệp phải trực tiếp làm việc với hải quan. Do đó, ông Tuấn kiến nghị, ngành hải quan cần đẩy mạnh hơn nữa áp dụng cơ chế một cửa, khai báo hải quan trực tuyến, giảm khâu làm trực tiếp để giảm tình trạng cán bộ hải quan nhũng nhiễu, đòi chi phí bôi trơn.

Cũng theo VCCI, ngoài phí bôi trơn có xu hướng tăng thì tình trạng kiểm tra chuyên ngành quá nhiều (chiếm 93% doanh nghiệp) và dài khiến doanh nghiệp đang phải gánh thêm gánh nặng.

Ông Đậu Anh Tuấn dẫn ví dụ "đường đi" lô hàng thép nhập khẩu hoàn tất mọi thủ tục thông quan, doanh nghiệp mất gần nửa tháng. Thời gian lâu, phải chờ đợi khiến doanh nghiệp không những mất thêm phí lưu kho bãi, còn lỡ thời cơ kinh doanh, giao hàng cho đối tác. 

“Doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước xem xét giảm bớt giấy phép con để tạo điều kiện cho họ kinh doanh”, ông Tuấn góp ý.

Đánh giá về kết quả khảo sát của VCCI, ông Kim Long Biên - Phó vụ trưởng, Phó trưởng ban cải cách hiện đại hoá (Tổng cục Hải quan) thừa nhận, đúng là vẫn tồn tại chuyện kiểm tra chuyên ngành với cùng một mặt hàng, như mặt hàng bơ, sữa hiện đang phải chịu tới 2 giấy phép chuyên ngành một lúc. 

"Kết quả khảo sát đã “đụng” trúng vào những điểm nghẽn của ngành hải quan hiện nay như kiểm tra sau thông quan, thủ tục hành chính, doanh nghiệp phải chi trả thêm chi phí ngoài quy định... ", ông Biên nhìn nhận. Lãnh đạo Tổng cục hải quan "hứa" ghi nhận kết quả và cố gắng khắc phục hạn chế để làm tốt hơn nữa trong quá trình làm thủ tục, hỗ trợ doanh nghiệp. "Không phải cải cách suông, chúng tôi sẽ có những động thái cụ thể để chuyển biến từ sản phẩm, tới từng cán bộ công chức, và chứng minh bằng những con số cải thiện cụ thể", lãnh đạo Tổng cục hải quan bày tỏ. 

Báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính hải quan với tiêu đề "mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2016" được VCCI tiến hành khảo sát ngẫu nhiên tại 3.500 doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên cả nước. VCCI đã nhận được phản hồi của 1.035 doanh nghiệp (chiếm 30%) trong số phiếu được phát đi. Đây là lần thứ 4 VCCI tiến hành cuộc khảo sát này.

Let's block ads! (Why?)