Lãnh đạo Sacombank: '5-6 năm sẽ tự tái cơ cấu thành công'

Ngày 29/5, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) công bố báo cáo tài chính kiểm toán lần đầu sau hai năm sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam và cho biết Đề án tái cấu trúc của Sacombank vừa được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Ông Nguyễn Miên Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị đã có cuộc trao đổi với VnExpress về chủ đề này. 

Vấn đề được quan tâm nhiều nhất của Sacombank là nợ xấu. Vậy hiện nay nợ xấu thực của ngân hàng là bao nhiêu sau khi sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam?

- Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, Sacombank có 13.166 tỷ đồng nợ xấu, tương đương với 6,8% tổng dư nợ. Ngoài ra, số nợ xấu mà ngân hàng đã bán cho Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) là 37.300 tỷ đồng.

lanh-dao-sacombank-5-6-nam-se-tu-tai-co-cau-thanh-cong

Sacombank đã được thông qua đề án tái cơ cấu. Ảnh: PV

- Khoản nợ xấu này chủ yếu đến từ đâu và thời gian tới Sacombank sẽ xử lý như thế nào?

- Khoản nợ xấu này phần lớn là từ Ngân hàng Phương Nam. Nguyên nhân trước đây Southern Bank thường cho vay theo quan điểm dựa vào tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài từ 2008 đến 2012, tính thanh khoản của khoản vay bị ảnh hưởng và làm phát sinh nợ xấu đến nay chưa thể giải quyết được.

Phần lớn khoản nợ xấu này đều có tài sản đảm bảo tương đối đầy đủ nhưng thời gian qua việc xử lý bị vướng do cơ chế và do ảnh hưởng từ việc thị trường bất động sản đóng băng...

Hiện nay, tính thanh khoản của thị trường bất động sản đã được cải thiện, nếu thời gian tới kinh tế vĩ mô ổn định và với những chính sách được phê duyệt thì trong khoảng 3 năm, ngân hàng ước xử lý được 70% nợ xấu. Và sau 5 năm, nợ xấu sẽ được xử lý tương đối dứt điểm để ngân hàng hoạt động hiệu quả và duy trì tốc độ tăng trưởng như trước khi sáp nhập.

- Theo báo cáo tài chính năm 2016 cho thấy khoản thu nhập lãi thuần của ngân hàng giảm mạnh? Vậy nguyên nhân chủ yếu do đâu?

- Do năm 2016 Sacombank phải dừng các khoản lãi dự thu, nhất là liên quan đến lãi dự thu từ các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC, khiến cho thu nhập lãi thuần giảm mạnh (hiện nay nhiều ngân hàng vẫn dự thu lãi từ các khoản nợ xấu). 

Ngoài ra, tổng tài sản có không sinh lời khá nhiều, trong khi ngân hàng vẫn phải trả khoản chi phí huy động vốn cho người dân rất lớn. Đây cũng là nguyên nhân khiến thu nhập lãi thuần giảm mạnh trong năm qua.

- Đề án tái cơ cấu Sacombank đến nay đã được triển khai tới đâu, thưa ông?

- Dù còn tồn đọng nợ xấu cao nhưng Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận nội tại của Sacombank tốt, đặc biệt là mảng bán lẻ, nên ngân hàng được đánh giá đủ khả năng tự tái cơ cấu.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức thông qua đề án tái cấu trúc Sacombank, theo đó cho ngân hàng thời hạn 10 năm (kể từ 2015) để xử lý dứt điểm các tồn đọng, nhất là nợ xấu. 

Tuy nhiên, lộ trình 10 năm là do Sacombank đề ra trên cơ sở thận trọng, còn nếu điều kiện thuận lợi thì lộ trình xử lý các tồn đọng cơ bản của ngân hàng sẽ rút ngắn chỉ còn khoảng từ 5-6 năm. Khi đó, hoạt động của Sacombank sẽ tốt trở lại như thời điểm trước sáp nhập.

Trong đề án này, có ba vấn đề cốt lõi. Thứ nhất là lãi dự thu được ngân hàng Nhà nước cho khoanh để từ từ xử lý theo năng lực tài chính. Thứ hai là trái phiếu VAMC, thông thường ngân hàng sẽ trích lập trong vòng 5 năm, tuy nhiên, nhà quản lý đồng ý cho các ngân hàng đang tái cơ cấu như Sacombank được trích lập trong vòng 10 năm. Cuối cùng là liên quan xử lý tài sản, nếu bán thấp hơn giá trị sổ sách, đưa vào chi phí liền thì bị ảnh hưởng nên Ngân hàng Nhà nước cho phân bổ trong vòng 5 năm.

Để tái cơ cấu thành công, hiện Sacombank chủ yếu cần cơ chế và hiện nay đã có cơ chế rồi nên hướng xử lý sắp tới của ngân hàng là rất rõ ràng. Trên cơ sở nội lực và cơ chế từ đề án tái cơ cấu thì nhà băng tự tin là sẽ tái cơ cấu thành công. 

- Câu chuyện tìm nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu Sacombank hiện nay như thế nào?

- Trước giờ, chưa có nhà đầu tư nào đặt vấn đề trực tiếp và chính thức với ban lãnh đạo ngân hàng về việc tham gia tái cơ cấu, có chăng chỉ là các thoả thuận với cổ đông lớn của Sacombank. Và đây là những trao đổi liên quan hoạt động mua bán thứ cấp. 

Thực ra, đây là phần vốn của nhóm cổ đông liên quan đến nguyên Thành viên HĐQT Sacombank - Trầm Bê uỷ quyền cho Ngân hàng Nhà nước. Do đó, các nhà đầu tư nào muốn mua lại phần vốn này để tham gia tái cơ cấu ngân hàng thì phải có tiềm lực vốn, kinh nghiệm...

Sacombank là ngân hàng có quy mô, mạng lưới lớn, có tổng tải sản đứng thứ 6 trong hệ thống các ngân hàng cổ phần, có hệ thống bán lẻ cũng như hệ thống xử lý rủi ro tốt... nên nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Hội đồng quản trị cũng nhận thấy nếu muốn tái cơ cấu thành công Sacombank thì trước tiên phải tái cơ cấu cổ đông, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư mới để bổ sung năng lực tài chính cho ngân hàng, nhằm có dư địa phát triển tốt hơn nữa trong tương lai. 

- Câu chuyện nhân sự cấp cao của Sacombank đang được dư luận chú ý. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này? 

- Liên quan đến nhân sự tham gia tái cơ cấu Sacombank, theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên nhân sự tại chỗ của ngân hàng, có quá trình công tác và đóng góp tích cực cho Sacombank. Bên cạnh đó, ngân hàng có bổ sung một số nhân sự có năng lực, kinh nghiệm từ các ngân hàng khác có sự đóng góp cho tiến trình tái cơ cấu của nhà băng.

Đến nay, danh sách ứng viên chưa có gì thay đổi so với danh sách chốt ngày 26/4. Theo đó, ngoài các gương mặt cũ của Sacombank thì có hai ứng viên đến từ Vietcombank (do Ngân hàng Nhà nước giới thiệu) và một người thuộc Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt. 

Lệ Chi

Let's block ads! (Why?)