Tạo ra kỳ tích, Việt Nam mới đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay

Số liệu tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/6 ở mức 5,73%, trong khi suốt nhiều tháng qua, Chính phủ liên tục phát đi thông điệp sẽ bằng mọi giải pháp, phấn đấu hoàn thành kế hoạch tăng GDP cả năm 6,7%. Bối cảnh này khiến cơ quan thống kê phải dành tới một phần tư thời lượng buổi họp báo tình hình 6 tháng để giải thích việc có chịu sức ép phải "làm đẹp số liệu" hay không.

“Năm ngoái, bức tranh kinh tế của cả nước rất tốt nhưng không ai ngờ tăng trưởng cuối năm chỉ đạt 6,21%, thấp hơn mục tiêu 6,7%. Ngay trong quý đầu tiên của năm 2017 cũng vậy, mục tiêu tăng trưởng được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nhưng cơ quan thống kê vẫn đưa số liệu rất thấp, chỉ đạt 5,1%. Nếu chịu áp lực, chắc chắn chúng tôi sẽ không đưa ra được con số như vậy”, Tổng cục trưởng - Nguyễn Bích Lâm dẫn chứng.

Những số liệu nêu trên khiến cơ quan thống kê nhìn nhận nền kinh tế sẽ phải tạo ra kỳ tích nếu muốn hoàn thành kế hoạch. Cụ thể là với kết quả 6 tháng đầu năm tăng 5,73%, GDP 2 quý cuối sẽ phải tăng trung bình 7,4%. Theo ông Hà Quang Tuyến - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, dù tăng trưởng đang "có đà" (GDP quý II đạt 6,17%, cao hơn quý I hơn 1%) nhưng con số 7,4% cho 6 tháng còn lại là mức chưa bao giờ đạt được trong hơn 10 năm qua.

tao-ra-ky-tich-viet-nam-moi-dat-muc-tieu-tang-truong-nam-nay

Kinh tế Việt Nam chưa từng đạt tốc độ tăng trưởng 7,4% ở nửa cuối năm trong hơn một thập kỷ qua. Ảnh: Nikkei

Xét riêng từng khu vực, nông nghiệp tiếp tục đóng góp tương đối mờ nhạt, trong khi điểm sáng tăng trưởng vẫn chủ yếu nằm ở mảng dịch vụ, xây dựng và chế biến - chế tạo.

GDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 2,65%, thấp nhất trong 3 các lĩnh vực và chỉ đóng góp 0,43% vào tốc độ tăng trưởng chung. Sau những diễn biến bất thường về thời tiết, thiên tai... của năm 2016, đến đầu năm 2017, “vận hạn” tiếp tục xảy đến với ngành chăn nuôi khi cuộc khủng hoảng thịt lợn diễn ra. Tổng cục Thống kê cho biết, giá lợn hơi đã giảm 21,5% so với cuối năm 2016 và tổng đàn lợn đến cuối quý II đã giảm 3,8% do tác động từ khủng hoảng.

Trong khi đó, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đóng góp vào tăng trưởng chung lần lượt 2% và 2,59%. Riêng công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành xây dựng có mức tăng trưởng cao nhất, đều đạt trên 8%. Tuy nhiên, mức tăng chung đạt thấp hơn do ngành khai khoáng tiếp tục giảm mạnh 8,2% cùng kỳ, chủ yếu do khai thác dầu thô và khí tự nhiên giảm.

Tăng trưởng thấp của ngành khai khoáng từng được coi là cơ sở cho giải pháp thúc đẩy tăng trưởng đưa ra gần đây, khi Thủ tướng đã yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) điều chỉnh kế hoạch khai thác dầu thô năm 2017, tăng sản lượng khai thác thêm một triệu tấn dầu so với kế hoạch. Tuy nhiên, theo ông Hà Quang Tuyến, trong bối cảnh giá dầu tiếp tục xu hướng giảm, việc tăng thêm sản lượng khai thác khó có thể giải quyết bài toán.

Là khu vực có mức tăng trưởng cao nhất, ngành dịch vụ cũng ghi nhận sự phân hóa trong 6 tháng đầu năm, khi tăng trưởng của dịch vụ lưu trú, ăn uống và hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cao hơn so với lĩnh vực cốt lõi là bán buôn, bán lẻ.

Trong đó, hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng gần 9%, trong bối cảnh lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm tăng hơn 30%. Những tháng đầu năm 2017 cũng tiếp tục ghi nhận sự đi lên của lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và hoạt động kinh doanh bất động sản. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng kỷ lục trong 5 năm gần đây, với 3,86%.

Một số chỉ tiêu kinh tế 6 tháng đầu năm giai đoạn 2013-2017

Năm Đ/v 2013 2014 2015 2016 2017
Tăng trưởng GDP % 4,9 5,18 6,28 5,52 5,73
Trong đó Nông - lâm nghiệp - thủy sản 2,07 2,96 2,36 -0,18 2,65
Công nghiệp - xây dựng 5,18 5,33 9,09 7,12 5,81
Dịch vụ 5,92 6,01 5,9 6,35 6,85
Tăng trưởng bán lẻ hàng hóa & dịch vụ % 11,9 10,7 9.8 9,5 10,1
Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển / GDP % 29,6 30,1 31,1 32,9 32,8
Xuất khẩu tỷ
USD
62 70,9 77,7 82,2 97,8
Nhập khẩu 63,4 69,6 81,5 80,7 100,5
Chỉ số giá tiêu dùng % 2,4 1,38 0,55 2,35 0,2

Nguồn: GSO

Sự lệch pha trong hoạt động của các khu vực kinh tế còn được biểu hiện qua bức tranh về doanh nghiệp, khi số thành lập mới vẫn chủ yếu ở khu vực dịch vụ, còn các lĩnh vực tạo ra sản phẩm cho xã hội hầu như không đáng kể.

Trước con số doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn thấp, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho rằng, để các doanh nghiệp từ lúc thành lập hoàn tất giai đoạn đầu tư và ghi nhận doanh thu cần có thời gian.

“Hơn 110.000 doanh nghiệp thành lập năm 2016 theo thống kê đã có hơn 87% đi vào hoạt động kinh doanh nhưng chỉ hơn 60% ghi nhận có doanh thu, mức này vẫn thấp hơn tỷ lệ có doanh thu 74% của các doanh nghiệp thành lập từ năm 2015”, ông Lâm lý giải.

Cũng bởi lý do này mà số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục được ông Hà Quang Tuyến nêu ra bên cạnh tăng đầu tư và tăng trưởng tín dụng, được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

“Dư địa đầu tư cho toàn xã hội còn rất lớn, so với kế hoạch đề ra còn hơn 60% chưa được thực hiện. Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 7,54% và còn lại gần 2/3 mức tăng trưởng có thể thực hiện trong 6 tháng cuối năm”, ông Tuyến nhìn nhận.

Tuy dư địa cho tăng trưởng đã có, nhưng những rào cản vẫn được đánh giá là còn rất lớn. Tồn kho cao, tình trạng nhập siêu quay trở lại, khó giảm lãi suất cho vay hay mục tiêu “hút dầu” có thể bị tác động do biến động giá thế giới là một số tác nhân chính.

Trong những tháng đầu năm, song hành với sự tăng trưởng ngành tài chính trong khối dịch vụ là sự trở lại ngày càng mạnh của hoạt động kinh bất động sản. Việc thúc đẩy tăng trưởng thông qua đầu tư và mở rộng tín dụng đã nhiều lần được các chuyên gia cảnh báo cần suy xét để không xảy ra những hệ lụy về sau.

Còn mục tiêu tăng sản lượng khai thác dầu thô thêm 1 triệu tấn từng được đánh giá là giải pháp tình thế quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, nhưng theo nhìn nhận của lãnh đạo cơ quan thống kê, điều này sẽ gặp khó khăn khi giá dầu thô trên thế giới tiếp tục đi xuống.

Theo dữ liệu của Bloomberg, giá dầu WTI hiện giao dịch ở ngưỡng 45 USD một thùng, so với mức giá gần 53 USD thời điểm đầu năm 2017, dầu Brent cũng giảm từ mức gần 57 USD hồi đầu năm còn hơn 47 USD.

Những rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiềm ẩn khi nửa đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập siêu 2,7 tỷ USD, so với tình trạng xuất siêu nửa đầu năm 2016. Riêng khu vực kinh tế trong nước đã nhập siêu gần 13 tỷ USD, nếu không nhờ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI "kéo lại" hơn 10 tỷ USD, con số nhập siêu có thể lớn hơn rất nhiều.

Minh Sơn

Let's block ads! (Why?)