Ngày 1/1/2017, giá mỗi đồng Bitcoin là 970 USD. Gần 12 tháng sau, mỗi đồng tiền này xác lập mức đỉnh 20.000 USD. Rồi trong tuần cuối cùng của năm, nó xuống tới 10.400 USD, thấp hơn 44% so với đỉnh đạt được trước đó một tuần.
Diễn biến Bitcoin trong một tháng gần đây. Nguồn: Coindesk |
Chỉ vào màn hình với những biểu đồ nến xanh đỏ, được cập nhật 5 phút một lần, một nhà đầu tư tên Nam kể có nhiều người mất toàn bộ thành quả một năm chơi Bitcoin trong tuần vừa qua. "Lướt sóng Bitcoin thực sự không dành cho người yếu tim", anh Nam nói.
Cũng như nhiều nhà đầu tư Bitcoin khác ở Việt Nam, Nam trước đây cũng từng là một nhân viên trong lĩnh vực tài chính nhưng nghỉ hẳn việc để tập trung vào đồng tiền ảo. Sự bùng nổ của Bitcoin, đặc biệt là đà tăng phi mã trong thời gian ngắn kéo theo xu hướng giao dịch lướt sóng của dân đầu cơ Việt. Từ một đồng tiền ít người biết đến, Bitcoin trở thành cái tên "nóng" trên nhiều diễn đàn, nhiều cộng đồng người chơi cũng được lập ra để cùng đầu tư loại tiền ảo này.
Ai bám thị trường trong ngày 22/12 mới thấy được sự khốc liệt của đồng tiền này, khi chênh lệch mức đỉnh và đáy lên tới hơn 5.000 USD, xấp xỉ 35% giá trị. Bitcoin có thể tăng đột biến chỉ trong vài giờ nhưng cũng có thế giảm tương ứng. Trong một tháng gần nhất, Bitcoin tăng từ 8.700 USD lên mức gần 20.000 USD, rồi sau đó xác lập mức đáy dưới 11.000 USD.
Anh Phương, nhà đầu tư vào đồng tiền này một năm gần đây, đã quyết định chọn chiến lược nắm giữ thay vì lướt sóng, bởi những rủi ro trong ngắn hạn. Nhà đầu tư 24 tuổi này vừa "chốt lời" Bitcoin với giá 18.350 USD, gấp hơn 3 lần so với giá vốn bỏ ra.
Bitcoin là "cuộc chơi" không dành cho những người yếu tim. |
Tuy nhiên, không phải tất cả những nhà đầu tư đều "có quà" khi đến với Bitcoin. Anh Viễn, nhà đầu tư ở TP HCM mua Bitcoin với giá hơn 17.000 USD giờ đang "canh cánh" với khoản lỗ thường trực lên tới 2 con số. Sau đợt giảm giá gần nhất, đồng tiền này chỉ còn loanh quanh ngưỡng 13.000 -15.000 USD. "Giờ chỉ trông chờ Bitcoin quay lại mức giá 17.000 USD để thoái vốn chứ không còn mong đợi gì vào lợi nhuận nữa", anh nói.
Đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Mới đây, Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia Trương Văn Phước cũng đề xuất tạm thời nên cấm hành vi mua bán Bitcoin để đảm bảo không xảy ra những rủi ro đáng tiếc trước những biến động giá khó lường của đồng tiền ảo này. |
Không giống các nhà đầu tư trên, nhiều người khác đang lướt sóng Bitcoin bằng vốn vay và càng như ngồi trên đống lửa. Một chuyên gia cho biết, từ khi Bitcoin vượt 10.000 USD và được dự báo sẽ lên rất cao, không ít người bất chấp sử dụng tiền vay nóng để tham gia với niềm tin sẽ dùng lợi nhuận đột biến để bù lại mức lãi cao. "Tuy nhiên, nếu ai vào ở mức giá quá cao trước khi đồng tiền này lao dốc, thiệt hại sẽ tăng gấp nhiều lần do đòn bẩy tài chính lớn”, anh Nam nói.
Cùng với đà tăng phi mã của đồng tiền số trong năm 2017, làn sóng nhập "trâu cày" về để đào Bitcoin cũng nở rộ ở Việt Nam. Số liệu đến tháng 10 cho biết, gần 1.500 máy đào Bitcoin đã được nhập về Hải quan TP HCM. Đối tượng làm thủ tục nhập khẩu mặt hàng này đa phần là cá nhân, tổ chức không có mã số thuế.
Bùng nổ lừa đảo liên quan tới tiền ảo
Tại Việt Nam, sự lên ngôi của Bitcoin khiến từ khóa "tiền ảo" xuất hiện trong nhiều thương vụ lừa đảo, đặc biệt là mô hình kinh doanh đa cấp.
Dù tiền ảo không liên quan gì tới bán hàng đa cấp, nhưng những kẻ lừa đảo đã lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp, về tận các vùng quê Việt Nam để lôi kéo người dân tham gia. Trong lúc chưa có quy định pháp luật để quản lý các biến tướng từ tiền ảo này, không ít người dân đã "sập bẫy".
Hình thức lừa đảo phổ biến nhất vẫn là trả lãi cao đột biến để huy động tiền của người dân và chi hoa hồng với tỷ lệ vài chục phần trăm để mời gọi người tham gia vào hệ thống.
Người dân nhiều huyện tại Bắc Giang có thể không biết Bitcoin, Ethereum hay Coinbase là gì, nhưng họ lại rất quen với thuật ngữ "tiền ảo". Lập website về đầu tư, cử nhân viên đi mở rộng địa bàn, đường dây lừa đảo thông qua việc đầu tư tiền ảo có tên AOC tại Bắc Giang đã vẽ ra những khoản lợi nhuận kếch xù cho những người dân ở đây.
Theo VTV, tới thời điểm điều tra, đường dây tiền ảo AOC đã có chân rết tại 10 tỉnh thành trên cả nước và có khoảng 1.400 người tham gia, với số tiền đầu tư lên tới vài chục tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này đã được các đối tượng cầm đầu chia nhau. Sau khi kiếm được khoản tiền lớn, những người này tiếp tục di chuyển ra tỉnh thành khác để thực hiện lại mô hình này.
Hàng nghìn người dân tại miền quê nghèo Gia Lai cũng điêu đứng vì trót đổ tiền tham gia một sàn tiền ảo đa cấp. Các đối tượng lừa đảo huy động tiền của người dân bằng cách mời tham gia vào mô hình giao dịch tiền ảo với tên gọi “Ngân hàng cộng đồng Bitcoin”.
Mô tuýp phổ biến là họ đưa ra mức lợi nhuận lên đến 144% mỗi tháng và tỷ lệ hoa hồng cao để “câu kéo" người chơi tham gia. Kết quả là những kẻ lừa đảo đã “ôm” hơn 22 tỷ đồng của người dân trong vùng và biến mất.
Minh Sơn