Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính năm 2017 do Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia công bố sáng 26/12 hé lộ tỷ lệ nợ xấu cao hơn nhiều con số ngành ngân hàng tự báo cáo. Trình bày bản báo cáo này, ông Nguyễn Văn Thuỳ - Phó trưởng ban phụ trách Ban giám sát tổng hợp (Uỷ ban Giám sát Tài chính) cho biết, theo tính toán của cơ quan này, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng là 9,5%.
Dù mức này cao hơn gấp ba lần con số "dưới 3%" mà Ngân hàng Nhà nước báo cáo là "nợ xấu nội bảng" nhưng theo Uỷ ban giám sát, đã giảm mạnh từ con số 11,5%.
"Chất lượng tài sản hệ thống tổ chức tín dụng cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh chủ yếu do các khoản nợ xấu tiềm ẩn trong nợ cơ cấu lại, trái phiếu doanh nghiệp và các khoản phải thu khó đòi bên ngoài giảm", ông Thuỳ lý giải.
Tỷ lệ xấu ngân hàng năm 2017 là 9,5%. Ảnh: Anh Quân. |
Trước đó, tại phiên chất vấn trên Quốc hội hồi giữa tháng 11, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9/2017 theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước là 2,34%, giảm so với mức 2,46% cuối năm sau. Tuy nhiên, ông Hưng cũng thẳng thắn cho biết đây chỉ là tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các ngân hàng, chưa gộp các nợ xấu đã bán sang VAMC và được đưa ra khỏi bảng cân đối tài sản.
Nếu tính thận trọng bao gồm cả một số khoản nợ tiềm ẩn, nợ VAMC đã mua cùng với nợ xấu nội bảng tại ngân hàng thì tổng mức nợ xấu đến cuối tháng 9/2017 là khoảng 566.000 tỷ đồng, theo ông Hưng, tương đương tỷ lệ 8,61%.
Mặc dù vậy, theo Uỷ ban Giám sát, quá trình xử lý nợ xấu đã được đẩy nhanh hơn, đặc biệt trong những tháng cuối năm nhờ tác động Nghị quyết 42. Tính cả năm, ngành ngân hàng đã xử lý được 70.000 tỷ đồng. Lượng trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng năm 2017, theo Uỷ ban, tăng 24,7% so với cuối năm 2016. Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng trên tổng nợ xấu theo các ngân hàng báo cáo là 65,8%.
Nợ xấu giảm, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) bình quân của hệ thống đạt 11,1%, nhưng theo đại diện Uỷ ban Giám sát, các ngân hàng vẫn đang chịu áp lực tăng vốn lớn bởi nếu tính CAR theo chuẩn Basel II thì nhiều đơn vị còn ở dưới mức 8%. "Để đạt chuẩn Basel II, các ngân hàng cần tăng vốn tự có gấp 1,8-2 lần so với hiện tại", ông Thuỳ nói.
Đánh giá cao báo cáo tổng quan của Uỷ ban Giám sát, ông Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng báo cáo nên dành nhiều thời lượng đưa ra những cảnh báo về các rủi ro trong trung và dài hạn của các ngân hàng Việt Nam. Ông cũng nhắc lại mốc 2020 - thời điểm đúng lộ trình thực hiện Basel 2 và vốn chủ sở hữu của các ngân hàng phải tăng 1,8-2 lần.
"Đây sẽ là một cảnh báo, một thách thức rất lớn nhưng là cách để hệ thống ngân hàng trở lại chu trình phát triển của mình", ông Thành nói.
Thanh Thanh Lan